Kinh doanh

Lượng tiêu thụ rượu bia tiếp tục tăng bất chấp kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19

DNVN - Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lượng tiêu thụ rượu bia năm 2020 đã tăng lên cao hơn hẳn, cho dù đây là năm đầu tiên áp dụng Nghị định 100, cũng như việc các quán bia, rượu chịu ảnh hưởng liên tục của Covid-19.

Xuất nhập khẩu tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây / Doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm

Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lượng tiêu thụ rượu bia năm 2020 đã tăng lên cao hơn hẳn, cho dù đây là năm đầu tiên áp dụng Nghị định 100, cũng như việc các quán bia, rượu chịu ảnh hưởng liên tục của Covid-19. Lượng tiêu thụ tăng từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Như vậy nếu tính bình quân năm 2020, mỗi người Việt Nam tiêu thụ tới 15,6 lít rượu, bia. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,4 so với 1,3 lít/người/tháng).

Theo báo cáo mới công bố của hãng nghiên cứu Kantar Worldpanel, đồ uống cũng đi ngược lại với xu hướng chung của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). So với năm 2020 là một năm tăng trưởng đột biến của FMCG, hầu hết ngành hàng như sữa, thực phẩm đóng gói, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình đều ghi nhận tăng trưởng âm trong quý I/2021. Trong khi đó, ngành đồ uống lại có dấu hiệu phục hồi ở khu vực thành thị, tăng trưởng 6% so với quý I/2020.

R


Năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet đã chỉ ra rằng mức tiêu thụ rượu toàn cầu đang có xu hướng tăng, điển hình là tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Lượng tiêu thụ rượu tăng 34% ở Đông Nam Á trong 7 năm từ 2010-2017.

Với trung bình 15 lít rượu nguyên chất được tiêu thụ trên mỗi người lớn hàng năm tính đến năm 2017, Moldova là quốc gia có mức độ cao nhất. Kuwait là quốc gia tiêu thụ ít rượu nhất, trung bình 0,005 lít mỗi năm.

Tổng lượng rượu tiêu thụ trên toàn cầu mỗi năm đã tăng 70% từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào năm 2017. Thậm chí, dự báo đến năm 2030, châu Âu sẽ không còn là khu vực có mức tiêu thụ rượu cao nhất nữa. Theo xu hướng giai đoạn 2010-2017, lượng tiêu thụ tăng mạnh nhất ở Việt Nam, gần 90% kể từ năm 2010.

Ngày 1/1/2020, Nghị định 100, với các quy định về phòng chống tác hại rượu bia đã có hiệu lực. Nghị định này tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài Nghị định 100, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ký ban hành ngày 28/9/2020 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế nghị định 176) cũng đã có một phần các quy định về phòng chống tác hại rượu bia. Đặc biệt là đã có mức phạt đối với cả hành vi ép buộc người khác uống rượu bia.

Vào đầu năm 2020, khi nghị định này chính thức có hiệu lực, Bloomberg đã dự đoán mức tiêu thụ bia giảm ít nhất là 25%. Mặt khác, nhiều công ty sản xuất rượu, bia cũng công bố mức doanh thu năm 2020 giảm khá mạnh so với các năm trước. Nhưng kết quả khảo sát mang lại kết quả hoàn toàn bất ngờ. Như vậy rượu bia và đồ uống chiếm một phần không nhỏ trong các khoản chi tiêu của gia đình người Việt.

Tính chung các khoản chi tiêu của người Việt, Tổng cục Thống kê cho biết bình quân mỗi người dân chi 2,89 triệu đồng/tháng, tăng 13% so với năm 2018, trong khi mức tăng năm 2018 so với 2016 là 18%. Cơ quan này lý giải do thu nhập năm 2020 giảm trước ảnh hưởng của dịch bệnh khiến mức chi tiêu bình quân tăng chậm hơn so với giai đoạn trước.

Tính theo khu vực, các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng cao gấp 1,6 lần hộ gia đình nông thôn. Vùng Đông Nam Bộ có thu nhập cao nhất cũng là nơi có mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất nước, xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 17,3% so với năm 2018. Trong khi đó, vùng Trung du miền núi phía Bắc có thu nhập thấp nhất cũng là nơi cho mức chi thấp nhất, tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm