Thị trường

Bất động sản 'hạ nhiệt', giá vẫn cao ngất

Sau giai đoạn "sốt nóng", thị trường đất nền, nhà liền kề/biệt thự ở các tỉnh phía Bắc có dấu hiệu "hạ nhiệt", nhưng giá lại giảm không đáng kể. Điều này chỉ báo thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm.

Thị trường BĐS tháng 5/2021: Mức độ quan tâm tại các điểm "nóng" Covid-19 giảm mạnh / Công ty CPPT BĐS Phát Đạt bị truy thu 292 triệu đồng tiền thuế

7-7-Gia-BDS-cao-ngat-nguong-4905-1625649

Mặc dù cơn sốt BĐS "hạ nhiệt", nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kinh doanh ngừng trệ, nhà đầu tư bất động sản (BĐS) quan tâm đến nhiều vấn đề: Liệu đất nền, nhà liền kề/biệt thự đã "hạ nhiệt" chưa, giá giảm so với hồi "sốt đất" là bao nhiêu, từ nay đến cuối năm có phải là thời điểm đầu tư đất nền?

Giá vẫn neo cao

Trên thị trường BĐS phía Bắc, sau giai đoạn hưng phấn của phân khúc đất nền, nhà liền kề/biệt thự, nay có sự trầm lắng rõ rệt. Tại các dự án BĐS không còn cảnh người bán, người mua tấp nập như hồi đầu năm. Nhiều nhà đầu tư “án binh bất động” chờ thời cơ giá hạ, thị trường ổn định để tiếp tục rót tiền vào BĐS.

Đại diện một nhóm các nhà đầu tư BĐS tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, cả nhóm đã thắng lớn trong "cuộc chơi" đất nền, biệt thự tại Hoài Đức, Đông Anh và Mê Linh, nay đang "cất tiền" để tìm cơ hội đầu tư khác, bởi giá hiện đã giảm nhưng còn neo ở mức khá cao.

Cụ thể, ở khu vực Hoài Đức, một số căn liền kề/biệt thự tại dự án An Lạc Green Symphony lúc "sốt" có giá 100 triệu đồng/m2, Hado Charm Villas: khoảng 60 triệu đồng/m2, Hinode Royal Park: 65-76 triệu đồng/m2. Đến nay, môi giới vẫn chào bán với giá xấp xỉ, thậm chí nhích lên ở vị trí đẹp.

 

Khu biệt thự Xanh Villa (Thạch Thất) chào bán đất nền từ 31-34 triệu đồng/m2, giá xây dựng 6,5 triệu đồng/m2. Theo môi giới, mức giá này cao hơn so với thời điểm "sốt nóng" khoảng 1-2 triệu đồng/m2.

Báo cáo thị trường quý II/2021 của kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy, do tác động của dịch Covid-19,hầu hết loại hình BĐStrong tháng 5đều có xu hướng suy giảm lượt quan tâm, đặc biệt là đất nền. Mức độ quan tâm đất nền của các địa phương giảm sâu gồm Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%)…

Tuy nhiên, theo báo cáo của Savills Hà Nội, trong quý II/2021, giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.907 USD/m2, tăng 10% theo quý và 3% theo năm; giá trung bình của nhà liền kề là 5.173 USD/m2, tăng 11% theo quý và 16% theo năm. Giá sơ cấp trung bình của các loại hình BĐS đều tăng trong quý này, với mức tăng hơn 20% tại một số dự án ở quận Hoàng Mai, huyện Đông Anh và Hoài Đức. Tính chung, trong vòng 5 năm vừa qua, giá chào bán thứ cấp của biệt thự/nhà liền kề đã tăng khoảng 7% mỗi năm. Thị trường biệt thự/nhà liền kề Hà Nội có tỷ lệ hấp thụ trong quý II đạt 56%.

Bên cạnh đó, giá của nguồn cung tồn không có sự thay đổi đáng kể qua các quý. Tuy nhiên, nguồn cung mới tại các giai đoạn sau đều có sự tăng giá, cao nhất ở những dự án có tốc độ hấp thụ tốt. Các chủ đầu tư chia dự án thành nhiều khu để xây dựng nhằm tăng giá trị và gia tăng mức giá.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, hiện tượng này là xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn "sốt nóng" của đất nền.

 

Kênh đầu tư hàng đầu

Lý giải về hiện tượng giá BĐS vẫn còn cao ngất ngưởng, theo ông Quốc Anh, trong "cơn sốt" quý I, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường khiến giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm. Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát trở lại, khiến sự quan tâm có sự dịch chuyển. Tuy nhiên, BĐS vẫn là kênh đầu tư trú ẩn an toàn và hấp dẫn, nên giá không thể giảm sâu hơn.

Bên cạnh đó, thị trường trong quý II cũng có một số tín hiệu tích cực. Trong tháng 5, số lượng doanh nghiệp BĐS mới tiếp tục tăng 60,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ báo những tín hiệu tích cực về sự hồi phục thị trường.

Việc dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán cũng báo hiệu thời điểm tốt để doanh nghiệp BĐS đón dòng vốn vào thị trường khi dịch được kiểm soát.

Ông Đinh Minh Tuấn, chuyên gia BĐS nhìn nhận, về dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng nhờ vào tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn.

 

“Rất khó để xảy ra tình trạng mất thanh khoản và giảm giá. Bởi mức giá sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, đặc biệt sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại”, ông Tuấn nói.

Bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc thương hiệu Công ty BĐS Tuấn 123 cho rằng, đầu tư BĐS chia mục đích rõ ràng là mua để ở và mua để đầu tư. Dù dịch bệnh xảy ra thì ở vẫn là nhu cầu đầu tiên tăng lên. Còn dưới góc độ đầu tư, các nhà đầu tư cho rằng trong đại dịch thì mua BĐS vẫn là cơ hội lớn, an toàn và ít rủi ro.

Theo ông Ngô Văn, Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi, BĐS năm 2021 không có dấu hiệu suy giảm. "Trong khủng hoảng kinh tế, BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn, đặc biệt là BĐS có pháp lý, vị trí tốt, không thể thay đổi được niềm tin”, ông Văn nói.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm