Tổng điều tra kinh tế 2021 giai đoạn 2: Nhiều hình thức thu thập mới được áp dụng
Kinh tế Việt Nam năm 2021: Làm gì trên ‘6 bậc thang’ còn lại? / Hộ chăn nuôi nhỏ lao đao vì giá thịt lợn giảm sâu
Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, cuộc tổng điều tra phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về chuyên môn và tiến độ. Trong đó, nhiều hình thức thu thập thông tin mới được áp dụng.
Chính thức tổng điều tra kinh tế 2021 giai đoạn 2
Các địa phương đã chính thức ra quân triển khai thực hiện tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn 2. Cuộc tổng điều tra được thực hiện từ ngày 1 - 30/7, trên phạm vi cả nước. Tổng điều tra kinh tế 2021 giai đoạn 2 nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trên 45.000 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Lực lượng tham gia tổng điều tra lần này là 30.000 người.
Các nội dung thu thập gồm: kết quả sản xuất kinh doanh, số lượng, quy mô và lao động, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin…
Tổng điều tra kinh tế 2021 giai đoạn 2 nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trên 45.000 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Đây là cuộc Tổng điều tra lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các thông tin thu thập được đầy đủ, chính xác là căn cứ để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Dự kiến, kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế 2021 sẽ được công bố tháng 12 và công bố kết quả chính thức vào tháng 2 năm sau.
Tập trung thực hiện tổng điều tra kinh tế giai đoạn 2
Với yêu cầu đặc biệt quan trọng về nâng cao chất lượng thông tin điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong Tổng điều tra giúp điều tra viên thống kê ghi chép và kiểm tra số liệu ngay trong quá trình thu thập thông tin.
Tuy vậy, công nghệ và máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ, để đảm bảo chất lượng điều tra, quan trọng nhất vẫn là kiến thức, kỹ năng và sự tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tra của điều tra viên thống kê.
Hà Nội là địa phương có số lượng đơn vị điều tra lớn thứ 2 trên cả nước, để thực hiện khối lượng công việc này thành phố Hà Nội đã huy động 3.500 điều tra viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các cơ sở thuộc đối tượng điều tra.
Ngay từ giai đoạn 1 với địa bàn rộng, đối tượng thu thập thông tin đa dạng, Hà Nội đã rất tập trung cho cuộc tổng điều tra kinh tế. Trong giai đoạn 2 này, tại đây, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu thập thông tin của hơn 367.700 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và khoảng gần 5.600 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
"Từ việc thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng ban hành các kế hoạch, chỉ thị, văn bản, chúng tôi đã chuẩn bị được lực lượng cho cuộc tổng điều tra này với số lượng trên 4.500 điều tra, giám sát viên", Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết.
Tổng điều tra kinh tế là 1 trong 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia với chu kỳ thu thập thông tin là 5 năm một lần. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Giai đoạn 2, cuộc tổng điều tra trên phạm vi toàn quốc nhằm thu thập thông tin của khoảng 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và khoảng 45.000 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Với các cơ sở này, việc tuyên truyền hướng dẫn khai thông tin rất cần thiết để có được nguồn dữ liệu chuẩn. Khi có nguồn dữ liệu chuẩn qua phân tích tổng hợp sẽ là nền tảng để hoạch định chính sách.
Bối cảnh hiện nay cần đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, áp dụng đa dạng phương thức điều tra để lấy thông tin, cần nỗ lực không nhỏ trong quá trình tổ chức và thực hiện tổng điều tra.
Tổng điều tra kinh tế là 1 trong 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia với chu kỳ thu thập thông tin là 5 năm một lần, lần thứ nhất diễn ra vào năm 1995. Năm nay là cuộc tổng điều tra kinh tế lần thứ 6 tại Việt Nam. Đây cũng là cuộc tổng điều tra khó với nội dung, đơn vị, đối tượng điều tra rất phức tạp trên phạm vi rộng khắp. Chưa kể, những tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Sự chủ động, tích cực của các cơ sở kinh doanh trong cung cấp thông tin chính xác, kịp thời là căn cứ để có được nguồn dữ liệu tốt nhất phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách và chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó mang lại lợi ích cho chính cơ sở kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo