Bất động sản

Chi phí đầu tư cản trở phát triển công trình xanh

DNVN - Công trình xanh đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Tuy vậy chi phí được coi là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.

Doanh nghiệp kỳ vọng thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững / Môi giới bất động sản phần nhiều vẫn là “cò đất”

Nhiều tiềm năng

Theo giới chuyên gia, công trình xanh đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Sẽ là thiếu sót nếu cộng đồng doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi xanh cho các công trình của mình.

Tại hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” ngày 18/10 tại Hà Nội, PGS, TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam (VIBM) cho biết, những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm, nhấn mạnh nhiều tới công trình xanh.

Theo đó, đã đưa công trình xanh vào rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật với tính chất vừa khuyến khích vừa yêu cầu thực hiện để vượt qua thách thức, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh, các kế hoạch hành động để thực hiện chiến lược. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các quyết định về kế hoạch hành động của ngành để thực hiện tiết kiệm năng lượng, hiệu quả khi xây dựng công trình. Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng trong toà nhà.

PGS, TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam (VIBM).

Bản thân cộng đồng DN cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình xanh.

Hiện số lượng công trình xanh ở Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực với xu thế số lượng công trình xanh cao hơn năm trước. Năm 2022, Việt Nam mới có hơn 200 công trình xanh và hiện con số này đã lên tới hơn 300. Trong khi đó, cách đây hơn 10 năm, Việt Nam chưa có công trình xanh nào.

Bà Nguyễn Bích Ngọc – Giám đốc Sen Vàng Group nhìn nhận, bên cạnh các yếu tố về vị trí, chi phí, người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư cũng được người mua đưa vào tiêu chí lựa chọn.

Chính vì vậy, đây được coi là “giai đoạn vàng” thúc đẩy ngành bất động sản phát triển các công trình xanh và bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Rào cản chi phí

Mặc dù trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam cũng đã nhận thức được lợi ích của công trình xanh nhưng hiện tại, chưa có nhiều công trình xanh xuất hiện tại Việt Nam.

Số lượng hơn 300 công trình đã được cấp chứng nhận công trình xanh chính thức ở thời điểm hiện tại được cho là còn rất khiêm tốn so với tiềm năng cũng như với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo đánh giá của Viện trưởng VIBM Lê Trung Thành, hiện nay, chi phí là một trong những khía cạnh đặc biệt quan trọng trong việc phát triển, quản lý các dự án công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Song, đây cũng là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.

Tuy vậy, ông Thành cho rằng, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, phương án tài chính hợp lý, sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách.

Ông Trần Thành Vũ - Công ty TNHH Edeec nhận định, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường.


Ông Trần Thành Vũ - Công ty TNHH Edeec.

Theo logic thông thường từ nhiều năm nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này sẽ được bù đắp trong quá trình vận hành. Đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển.

Liệu cách hiểu mặc định này có đúng với thực tế thị trường Việt Nam, có con đường đổi mới sáng tạo nào có thể giúp các công trình vừa bảo đảm tính bền vững, mà vẫn giảm chi phí đầu tư, đồng thời giảm đáng kể chi phí vận hành?

Theo ông Vũ, câu trả lời sẽ được làm rõ qua các dự án thực tế, được tính toán so sánh giữa thiết kế thông thường và thiết kế tối ưu hoá về chi phí đầu tư, về chi phí vận hành trong điều kiện chi phí, vật liệu, thiết bị tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về yêu cầu năng lượng, trong đó quy định chỉ tiêu độ dẫn nhiệt của các vật liệu nhằm mục đích góp phần vào việc xây dựng tòa nhà có công năng hiệu quả. Tuy nhiên, trên thị trường chưa có nhiều vật liệu xây dựng đáp ứng được những tiêu chuẩn này.

Do đó, các chuyên gia gợi ý doanh nghiệp, chủ đầu tư tìm kiếm, sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và có thể tái chế sử dụng.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm