Môi giới bất động sản phần nhiều vẫn là “cò đất”
Xu hướng mới cho các nhà môi giới bất động sản / Hết thời sốt đất, môi giới bất động sản khốn khổ vì khách 'ăn vạ'
Theo VARS, dù có các quy định xử phạt, môi giới BĐS vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui, mọi người, mọi chủ thể, mọi cá nhân đều dễ dàng tham gia. Thông thường, đến thời điểm sốt nóng, lao động từ các ngành nghề khác gia nhập vào làm môi giới với tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Từ xe ôm, người bán nước tới công chức Nhà nước đều có thể tham gia kết nối thực hiện giao dịch. Các cá nhân này không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào.
Vì vậy, không sai khi gọi những đối tượng này là “cò", bởi những cá nhân này chỉ tiếp nhận, truyền tải thông tin một cách thụ động từ nguồn phát đến khách hàng mà không có sự phân tích, kiểm định, đánh giá về các vấn đề như pháp lý. Thậm chí còn lấp liếm thông tin với hy vọng nhận tiền hoa hồng nhanh nhất.
Bên cạnh đó là việc thổi thông tin, tranh thủ sự “khan hiếm” nguồn hàng, nhằm mục đích “làm giá”, thậm chí còn “lướt cọc” hoặc bán chênh với khách, để trục lợi, kiếm lời. Những hành vi này vô hình chung khiến cho thị trường bị lũng đoạn, gây nguy cơ cho các đợt “sốt ảo” hay “bong bóng BĐS”.
Để thoát nhãn “cò đất”, môi giới BĐS cần tham gia các khóa học đào tạo, học tập, tích lũy kinh nghiệm trong cả một quá trình và đặc biệt là thông qua kỳ thi chứng chỉ môi giới. Ngoài đạo đức hành nghề cơ bản và khả năng trình bày, thuyết phục khách hàng, môi giới cần biết làm nghề, có kỹ năng về tư vấn và hiểu rõ luật. Có như vậy mới bảo đảm quá trình tư vấn cho khách hàng hiệu quả, an toàn.
VARS nhận định, thực tế hiện nay, môi giới chỉ quan tâm làm sao để giao dịch thành công nhanh nhất. Từ đó nhận được khoản phí hoa hồng bằng 2-4% giá trị giao dịch. Thái độ này không những gây rủi ro cho người mua còn gián tiếp làm ảnh hưởng đến thị trường BĐS, khiến niềm tin của nhà đầu tư ngày càng sụt giảm.
Trong khi đó ở một số quốc gia có thị trường BĐS phát triển như Mỹ, Úc, 1 căn nhà chỉ 1 môi giới bán. Các quốc gia này đồng thời cũng có những quy định ràng buộc rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của môi giới BĐS.
Còn tại Việt Nam, 1 căn nhà có vô số môi giới bán. Các quy định của pháp luật hiện hành không cần có môi giới thì giao dịch vẫn có thể hoàn thành. Hai bên bán và mua có thể tự thỏa thuận, tự ký kết và hoàn thành giao dịch.
Trong quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS, có rất nhiều kiến nghị đã được đưa ra theo hướng ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của môi giới BĐS để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch. Nâng cao trách nhiệm, đồng thời cũng cần nâng cao vai trò, địa vị pháp lý của đội ngũ này.
“Nên chăng cần quy định các cơ chế để khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà môi giới tham gia sâu hơn vào các giao dịch BĐS? Thậm chí, ràng buộc giao dịch BĐS phải có sự tham gia môi giới BĐS để khuyến khích môi giới học tập, nâng cao tay nghề, góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh, bền vững. Hoặc là giải quyết tận gốc nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc thị trường thiếu thông tin, dữ liệu minh bạch, chính thống.
Chính phủ cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, nghiên cứu, xây dựng kênh thông tin, dữ liệu chính thống về BĐS. Cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, hướng tới các dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch và có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, hội ngành nghề và doanh nghiệp”, VARS đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo