Bất động sản

Tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy làm ách tắc nhiều dự án bất động sản

DNVN - Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây khó cho thị trường bất động sản. Trong đó, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy làm ách tắc nhiều dự án.

25% doanh nghiệp bất động sản chỉ "trụ" được hết quý 3 nếu thị trường vẫn khó khăn / Cơ hội cho nhà đầu tư khai thác thị trường bất động sản tại Hải Phòng

Nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi hậu COVID-19. Tuy nhiên những biến động phức tạp, khó lường, bất ổn của tình hình chính trị thế giới, sự cạnh tranh địa chính trị và thương mại của các nước lớn cộng thêm một số khó khăn nội tại khiến đà hồi phục bị chậm lại.

Là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế, thị trường bất động sản đang gặp những thách thức rất lớn. Khó khăn về dòng tiền và các nút thắt pháp lý đã làm suy giảm lòng tin của khách hàng, sự vận hành ổn định, bền vững của thị trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”, chiều ngày 10/10, TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam chỉ rõ, hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng.

Tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lý (chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án). Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, chỉ riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ước có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai. Những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”. Ảnh: Hà Anh.

Thực tiễn, một số địa phương đã thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Nhất là tâm lý né tránh không muốn làm, thiếu sự phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ.

“Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản. Chúng tôi tin rằng các chính sách nói trên có thể tháo gỡ được nhiều nút thắt của thị trường bất động sản. Tuy nhiên cần có những giải pháp đồng bộ hơn”, ông Khôi nói.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đưa ra 6 yếu tố chính tác động tới thị trường bất động sản như kinh tế vĩ mô; môi trường pháp lý, cách thức quản lý và giám sát bất động sản.

Cùng với đó là vấn đề tài chính; cung cầu và giá cả; thông tin dữ liệu minh bạch. Đặc biệt, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy đã và đang làm chậm, thậm chí là ách tắc nhiều dự án bất động sản.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm làm ách tắc nhiều dự án bất động sản. Ảnh: Hà Anh.

Đề xuất một số giải pháp, ông Lực cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cụ thể, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán). Làm sao bảo đảm được sự đồng bộ, nhất quán giữa các luật liên quan đến thị trường bất động sản.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam chia sẻ, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ánh về vấn đề nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản (theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 17, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014). Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều thiếu dòng tiền, thiếu vốn đầu tư thì việc áp dụng quy định này tạo khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Ông Chung kiến nghị, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, giải pháp quan trọng nhất là tập trung giải quyết các dự án đang gặp vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng. Đồng thời, sửa các quy định từ luật, nghị định, thông tư không còn phù hợp.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm