Bất động sản

Đồng Nai: Vẫn “nóng” tình trạng phân lô bán nền trái phép

DNVN - Dù tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên đại bàn tỉnh Đồng Nai đã giảm so với những năm trước, nhưng một số địa bàn “nóng” về đất đai, vấn nạn này vẫn còn xảy ra. Mới đây, Sở Sở TNMT tỉnh này lại tiếp tục “chỉ điểm” hàng loạt thửa đất phân lô bán nền trái phép trên mạng xã hội.

TP.HCM: Rà soát 24 dự án nhà ở có nguồn gốc đất công / Nam Group khởi công tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng và thể thao biển chuẩn 5 sao

Hàng loạt thửa đất phân lô, bán nền trái phép

Theo Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, thông qua mạng xã hội, Sở đã nhận nhiều thông tin phản ánh về tình trạng rao bán nền đất trái phép trên mạng Internet tại các địa bàn như: huyện Định Quán, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP Biên Hoà (tổng cộng 47 vị trí đất).

Cụ thể, tại TP Biên Hoà, Sở TNMT kiểm tra thửa đất 341, 172, tờ bản đồ số 14 (phường An Hoà) có tổng diện tích hơn 8.600 m2, mục đích sử dụng đất có 150 m2 là đất ở và đất nông nghiệp. Hiện trạng có 10 căn nhà, trong đó 1 căn nhà đang hoàn thiện với cấu trúc 1 trệt 2 lầu, có 2 tuyến đường bằng bê tông dọc thửa đất và 2 tuyến đường bằng bê tông ngang, rộng khoảng 6m.

Theo báo cáo của UBND phường An Hoà, có 9 căn nhà được chủ sử dụng đất cam kết xây nhà để làm nhà kho chứa vật liệu làm nút áo, sẽ tháo dỡ khi có yêu cầu. Thửa đất sử dụng sai mục đích và xây dựng nhà trái phép.

dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại số 15 Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa.

Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại số 15 Đồng Khởi, TP Biên Hòa từng bị Công an điều tra vì xây dựng không phép.

Tại phường Phước Tân, Tân Biên, Trảng Dài (TP Biên Hoà) một số thửa đất có mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp nhưng được quây kín bằng tôn không cho người bên ngoài nhìn thấy việc sử dụng bên trong.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra hiện trạng, Sở TNMT nhận thấy hiện một số khu đất tồn tại việc phân lô, bán nền và xây dựng nhà ở, hình thành khu dân cư kết nối cơ sở hạ tầng của địa phương như khu đất tại phường Trảng Dài, TP Biên Hoà nhưng không được chính quyền địa phương xử lý, không lập biên bản và khôi phục lại hiện trạng.

Ở huyện Vĩnh Cửu, qua kiểm tra thửa đất số 573, tờ bản đồ số 21 (xã Thạnh Phú) có diện tích gần 7.300m2, cơ quan chức năng nhận thấy mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận là đất trồng cây hàng năm. Tuy nhiên, hiện trạng trên đất đã làm đường nhựa, trồng trụ và kéo dây điện, xây dựng hệ thống cống thoát nước, cắm cọc phân lô. UBND xã đã lập biên bản xử lý vụ việc và cắm bảng thông báo khu vực không được phân lô, bán nền.

Cũng tại tờ bản số số 21 (xã Thạnh Phú), thửa đất 168 với diện tích hơn 7.200 m2 mặc dù mục đích sử dụng ghi trên giấy chứng nhận là đất nuôi trồng thuỷ sản. Nhưng hiện chủ sử dụng đất đã rải đá để làm đường. UBND xã đã lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt hành chính, đã có văn bản báo cáo UBND huyện chỉ đạo xử lý.

Theo Sở TNMT tỉnh Đồng Nai, tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), khi cơ quan chức năng kiểm tra thửa đất số 263 và thửa 309 tờ bản đồ số 43, diện tích gần 4.500 m2, nhận thấy mục đích sử dụng đất là trồng cây lâu năm. Nhưng hiện chủ đất lại cải tạo mặt bằng, xung quanh thửa đất có đường giao thông (đường cấp phối).

UBND Xã Tây Hòa cắm biển cảnh báo người dân tình trạng phân lô bán nền tại dự án. Dự án Khu dân cư Tây Hòa 2”, UBND xã Tây Hòa đã cắm bảng cảnh báo người dân tại dự án trên với nội dung: “Nghiêm cấm các hành vi tự ý tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, tụ tập đông người, rao bán đất dự án khu dân cư, nhà ở trái phép”.

UBND Xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) cắm biển cảnh báo nghiêm cấm tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, nhà ở trái phép. Vị trí này đang được Cty TNHH MTV Hợp Hoàng Ngọc Sơn rao bán mang tên Khu dân cư Tây Hòa 2.

Tại huyện Trảng Bom, thửa đất số 101, tờ bản đồ số 14 (xã Hố Nai 3) có diện tích hơn 8.180 m2, mục đích sử dụng đất có 600m2 đất ở, đất trồng lúa (352m2) và đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận thửa đất đã được chủ sử dụng đất hạ độ cao, san lấp mặt bằng và đang để trống. Trên đất có một số hố ga thoát nước, một số trụ bê tông, ngoài ra, chủ sử dụng đất đã đổ đất, bê tông để kè con duối đi ngang qua thửa đất. Việc này, UBND xã đã lập biên bản, yêu cầu sử dụng đất đúng vị trí, ngưng việc đổ bê tông.

Tương tự, tại huyện Long Thành, thửa đất số 25, 26 tờ bản đồ số 35 (xã An Phước), tổng diện tích hơn 12.000m2, mục đích sử dụng đất có 300m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm. Hiện trạng trên khu đất này đã có 2 căn nhà đã xây dựng hoàn thiện, trồng 3 trụ điện và đã kéo điện, đã xây dựng tường rào phía trước.

UBND huyện Long Thành đã ban hành quyết định xử phạt và yêu cầu tháo dỡ đường bê tông, nhưng hiện chủ đất vẫn chưa thực hiện đầy đủ, còn tồn tại tuyến đường bê tông.

Không tỉnh táo người mua lãnh đủ

Có thể thấy, dù tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên đại bàn tỉnh Đồng Nai đã giảm so với những năm trước, nhưng một số địa bàn “nóng” về đất đai, vấn nạn này vẫn còn xảy ra.

Một số khu đất được chủ đất sử dụng không đúng mục đích và có hiện tượng phân lô bán nền như: San lắp mặt đất, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp, trồng trụ điện, kéo điện, làm hệ thống thoát nước, cắm cọc phân lô; nhiều khu đất thực hiện quây tôn không cho người ngoài nhìn thấy việc sử dụng đất… Sau đó, bằng nhiều cách chủ đất đăng lên mạng internet để bán cho khách hàng có nhu cầu.

Trước việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp diễn ra tràn lan, một số địa phương ở Đồng Nai đã cảnh báo người dân bằng cách cắm nhiều biển báo cấm mọi hình thức sang nhượng đất trái phép. Tuy nhiên, vì nhiều người dân cần nhà ở mà khả năng không đủ nên vẫn liều mua đất nông nghiệp phân lô giá rẻ.

Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân lớn khiến tình trạng phân lô, bán nền tiếp tục diễn ra ở các địa phương là do vẫn có nhiều người dân chấp nhận mua bán đất đai trái phép dù vẫn rất băn khoăn về pháp lý.

Đáng nói hơn, nhiều người biết sai nhưng do hám lời nên vẫn bỏ tiền ra mua đất nông nghiệp rồi lại tìm cách bán cho người khác để thu vốn, tạo thành một vòng luẩn quẩn rất khó quản lý trên lĩnh vực đất đai.

Khách hàng ham rẻ khi mua phải những nền đất trên sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu như nền đất bị ngành chức năng cưỡng chế, không được phép xây dựng… Hậu quả nhãn tiền trước mắt trong trường hợp này là khách hàng rơi vào cảnh “tiền vẫn mất, tật vẫn mang".

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm