Bất động sản

Hàng trăm nghìn môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề

DNVN - Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40.000 người cấp chứng chỉ môi giới, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bài bản.

Ra mắt hệ thống thông tin của Hội Môi giới bất động sản / Thời của môi giới bất động sản còn dài?

Theo VARS, việc bổ sung vào Luật kinh doanh BĐS các quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về BĐS và môi giới BĐS không chỉ giúp Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường mà còn phù hợp với chuẩn mực pháp luật của nhiều quốc gia.

Theo thống kê của VARS, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới BĐS. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40.000 người có chứng chỉ môi giới BĐS, tức là đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.

Để thị trường phát triển lành mạnh, người dân yên tâm khi lựa chọn giao dịch qua môi giới, sàn giao dịch BĐS thì cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới BĐS.

“Hoạt động của sàn giao dịch BĐS và môi giới BĐS phải bảo đảm chuyên nghiệp, kỹ năng hành nghề cao, năng lực hỗ trợ công việc phải đạt chuẩn, văn hóa đạo đức phải thành nguyên tắc không thể vi phạm”, VARS khuyến nghị.


Việt Nam hiện có khoảng 40.000 người môi giới BĐS có chứng chỉ.

Theo đó, cần luật hóa những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn, mạnh hơn về hoạt động của sàn giao dịch và môi giới BĐS. Đặc biệt là quy định về vai trò, trách nhiệm của sàn giao dịch trong việc cung cấp thông tin, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch.

Tất cả những người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó, bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.

“Chứng chỉ này sẽ được mã hóa, số hóa dưới hình thức thẻ hành nghề, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu để cơ quan Nhà nước quản lý.

Người có thẻ sẽ là người giao dịch cuối cùng, xác nhận thông tin cần thiết tư vấn cho khách hàng; mã thẻ sử dụng khi ký hợp đồng sẽ là căn cứ để đánh giá trách nhiệm liên đới khi giao dịch xảy ra vấn đề và như vậy người hành nghề bắt buộc hoạt động nghiêm túc, có uy tín”, VARS cho biết.

Cũng theo VARS, sẽ rất khó để thực thi những vấn đề nêu trên nếu chỉ có sự quản lý trực tiếp của Nhà nước. Bởi vậy, phải rà soát, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào trong quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề.

Cần bổ sung vào Luật kinh doanh BĐS các quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về BĐS và môi giới BĐS. Điều này không chỉ giúp Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường BĐS, tiết kiệm ngân sách quốc gia, mà còn rất phù hợp với chuẩn mực pháp luật của nhiều quốc gia.

Thực tế trên thế giới, rất nhiều nước có hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến các hoạt động môi giới BĐS.

Cụ thể, Hàn Quốc có luật cấp phép hành nghề môi giới BĐS; Úc và Newzealand có luật môi giới BĐS; Mỹ có luật về cấp phép hành nghề BĐS; Anh và Thụy Điển cũng có luật về người môi giới BĐS.

“Các hội nghề nghiệp nên là nơi có tiếng nói cao nhất về chuyên môn, ban hành quy tắc đạo đức, ứng xử hành nghề. Đồng thời, chứng nhận năng lực nghề nghiệp, tổ chức hệ thống đào tạo đạt chuẩn và xây dựng hệ thống định danh, mã hóa để quản lý, hỗ trợ hành nghề”, VARS đề xuất.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm