Bất động sản

TP.HCM: Lập tổ công tác xử lý các công trình sai phạm ở Bình Chánh

DNVN - Trước những sai phạm nghiệm trọng ở các công trình xây dựng, đất đai tại huyện Bình Chánh, mới đây UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan thành lập tổ công tác để xử lý.

TP.HCM có hơn 500 công trình vi phạm trật tự xây dựng trong 8 tháng đầu năm / TP.HCM: Điều chỉnh mục tiêu sử dụng 7 dự án tái định cư Khu Công nghệ cao

Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND huyện Bình Chánh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập tổ công tác để xử lý các nội dung liên quan.

Cụ thể, tổ công tác này có nhiệm vụ thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm về đất đai, xây dựng có tính chất phức tạp, trọng điểm trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, tổ công tác cũng cần xây dựng các tình huống, kịch bản có thể xảy ra trong quá trình cưỡng chế, trong đó việc thực hiện cưỡng chế phải đảm bảo các nội dung về tuyên truyền vận động, tổ chức cưỡng chế, các công tác thực hiện sau cưỡng chế. Ngoài ra, tổ công tác phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ nay đến cuối năm 2020.

Công ty Huỳnh Thông triển khai dự án Amazing City khi chưa được UBND TP HCM giao khu đất trên để đầu tư dự án nhà ở, chưa chuyển thành đất ở. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, chủ đầu tư đã tổ chức xây dựng 222 công trình trên đất và chỉ một căn nhà có giấy phép xây dựng.

Theo Thanh tra TP.HCM, Công ty Huỳnh Thông triển khai dự án Amazing City khi chưa được UBND TP.HCM giao đất để đầu tư dự án nhà ở, chưa chuyển thành đất ở. (Ảnh: Gia Lai)

Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung, Sở Tư pháp thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước cũng như áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý nhanh đối với công trình vi phạm về đất đai, xây dựng.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao các cơ quan chức năng xử lý vi phạm của các chủ đầu tư tại dự án khu dân cư khu công nghiệp An Hạ (xã Phạm Văn Hai) và dự án khu dân cư – trung tâm thương mại Amazing City (xã Tân Nhựt).

Như Doanh nghiệp Việt Nam thông tin trước đó, Thanh tra TP.HCM vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1/2016 – 3/2020, trong đó chỉ ra nhiều công trình sai phạm “khủng”, vi phạm kéo trên địa bàn huyện này.

Đơn cử, tại xã Bình Hưng, Khu nhà hàng Hương Dừa cũ rộng hơn 15.000m2. Chủ sử dụng tự chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, lấn rạch để cho thuê và bán nhà ở cho các hộ dân, thu lợi bất chính.

Quá trình mua bán giấy tay, chuyển nhượng qua – lại nhiều người, hình thành khu dân cư, kinh doanh mua bán… trên thửa đất này không đảm bảo hạ tầng hiện hữu, kết nối hạ tầng chung. không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo điều kiện an sinh xã hội… làm ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự trên toàn khu vực.

Cũng tại xã Bình Hưng, Khu ẩm thực Bình Xuyên có diện tích gần 25.000m2 do ông T.D.N. thuê đất nông nghiệp (có lấn chiếm ao, rạch) của 3 chủ đất để xây dựng các hạng mục khu ẩm thực.

Trong khi sai phạm kéo dài từ năm 2003 đến thời điểm thanh tra tháng 3 năm 2020 (là khoảng 17 năm) nhưng các công trình không phép trên vẫn hiên ngang tồn tại. UBND huyện Bình Chánh, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND xã Bình Hưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, sai phạm “khủng” tại dự án Khu dân cư - Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt (Amazing City) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông (Công ty Huỳnh Thông) cũng được chỉ ra.

Dù khu đất chưa chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán các nền đất, thực chất là phân lô bán nền trên đất nông nghiệp cho rất nhiều khách hàng.

Ước tính tổng cộng đã có 187 căn nhà, 225 căn hộ chung cư, 2 nhà điều hành dự án, hồ bơi xây dựng trên đất nông nghiệp của dự án này.

Kiên quyết xử lí vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.HCM

Theo ông Lê Hoà Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (gọi tắt là Chỉ thị 23) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, tính từ ngày 15/12/2019 - 25/8/2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 504 công trình vi phạm xây dựng; trong đó có 293 trường hợp xây dựng không phép.

Bình quân mỗi ngày xảy ra 1,9 vụ, nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (trước khi ban hành Chỉ thị 23) thì số vụ vi phạm đã giảm 6,6 vụ/ngày (tỷ lệ giảm 77,2%).

Tuy nhiên, qua kết quả Thanh tra thành phố cho thấy, nhiều địa bàn nóng như Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi vẫn còn nhiều vụ việc chậm được xử lý, gây bức xúc dư luận.

Theo ông Lê Hoà Bình, trong thời gian tới, Sở Xây dựng và UBND các quận huyện kiên quyết không để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn mà không được kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm. Rà soát, tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm thực hiện.

Đồng thời giám sát chặt chẽ, tịch thu phương tiện, vật liệu thi công nhằm đảm bảo ngăn chặn các công trình vi phạm đã bị xử lý nhưng vẫn tiếp tục thi công. Trường hợp chủ đầu tư chống đối, không chấp hành thì lập thủ tục chuyển qua cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng theo bộ luật hình sự.

Đối với các nhà thầu thi công xây dựng cố tình tiếp tục thi công xây dựng công trình vi phạm xây dựngkhi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước thì tạm giữ chứng chỉ hành nghề của tổ chức, cá nhân vi phạm.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm