Thị trường

Bình Dương: Nhiều ngành sản xuất lo thiếu nguyên liệu sản xuất giữa “bão” Covid -19

DNVN - Trước diễn biến của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương đang đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu ngay trong tháng 3 và đầu tháng 4 tới đây.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Lo thiếu nguyên liệu sản xuất

Tại Bình Dương hiện có hơn 3.700 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 33,8 tỷ USD, là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong đó, các doanh nghiệp Đài Loan đang đứng đầu trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương với 843 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,53 tỷ USD. Sau đó là Nhât Bản với 304 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký là 5,65 tỷ USD.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản và Đài Loan tại Bình Dương chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may, giày da, chế tạo sản phẩm hỗ trợ ngành ô tô, y tế, hóa mỹ phẩm và chế biến thực phẩm…

Nhiều doanh nghiệp lo

Nhiều doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu cho sản xuất. (Trong ảnh: Nhà máy Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương).

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều ngành sản xuất có tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản “đứng ngồi không yên” vì lo hết nguyên liệu cho sản xuất, đặc biệt là dệt may và sản xuất hàng tiêu dùng.

Theo đại diện một doanh nghiệp dệt may tại KCN Sóng Thần (Bình Dương) cho biết, hiện tại mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang diễn ra bình thường. Nguyên liệu đầu vào vẫn còn hàng tồn trong kho nên chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên, theo báo cáo thì hết tháng 3 kho nguyên liệu dự trữ sẽ cạn. Điều này sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này bị ngưng trệ.

"Đa phần nguyên liệu đầu vào là sản phẩm vải, chỉ... đều được nhập từ Trung Quốc. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn đang rất phức tạp, bản thân nước bạn cũng không thể cung ứng số lượng lớn nguyên liệu theo như hợp đồng vì thiếu nguyên liệu, thiếu nhân công dẫn tới sản xuất đình trệ. Chính bởi vậy, việc doanh nghiệp chúng tôi thiếu nguồn cung cấp vải là không thể tránh khỏi”, vị đại diện này giải thích lý do.

Trước khó khăn này, công ty cũng như nhiều doanh nghiệp may mặc trên địa bản tình Bình Dương cũng đang tính đến việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu mới, nhưng việc này không hề dễ. Nếu thay bằng hàng trong nước thì cũng phải đặt hàng rất lâu. Để làm được một tấm vải từ chọn sợi, dệt, nhuộm... phải mất 3 - 4 tháng mới có thể có sản phẩm thay thế.

 

"Theo tính toán, nếu nguyên liệu bị cạn kiệt thì doanh nghiệp sẽ phải cho công nhân nghỉ làm từ 15 đến 30 ngày. Nếu dịch bệnh còn kéo dài thì doanh nghiệp sẽ chịu "thiệt đơn, thiệt kép”, hoạt động sản xuất đình trệ, đơn hàng có thể giảm dần, lao động bị thiếu việc làm, thu nhập giảm... thậm chí công ty còn có thể bị đối tác hủy, phạt vì vi phạm tiến độ bàn giao sản phẩm”, vị đại diện cho hay.

Trong khi đó, đại diện công ty TNHH Bao Bì Ký Thành - chuyên nhập khẩu nguyên liệu cho ngành bao bì tại TX. Thuận An (Bình Dương) cho rằng, nguồn cung nguyên liệu chính của công ty đa phần là ở Nhật Bản và Đài Loan và công ty luôn có những kế hoạch để chủ động ứng phó với những tình huống xấu, ảnh hưởng đến sản xuất, nên chưa bị tác động quá lớn do tạm dừng cấp phép các chuyến bay, nhưng cũng thừa nhận, nếu việc vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, thì chắc chắn, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.

“Hiện nay, nguồn hàng dự trữ của doanh nghiệp chỉ có thể đủ cho sản xuất đến gần cuối tháng này. Nếu nhà cung cấp tại Trung Quốc vẫn chưa hoạt động và các chuyến bay vẫn chưa được nối lại, thì nguy cơ doanh nghiệp phải dừng sản xuất là rất cao. Chúng tôi đã tính tới phương án tìm nguồn cung từ thị trường mới, nhưng không phải loại nguyên liệu nào cũng có thể chuyển hướng sang thị trường mới, kể cả khi chấp nhận giá cao hơn”, vị này cho hay.

Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư Nhật Bản và Đài Loan tại Bình Dương nhận định doanh thu sẽ giảm từ 10 đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp

 

Theo ông Lê Hồng Phoa - Chủ tịch Hiệp hội May mặc tỉnh Bình Dương, ngành dệt may Việt Nam đang có quan hệ thương mại 2 chiều rất lớn với Trung Quốc. Nguyên phụ liệu dệt may, xơ sợi, vải đang được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc với lượng lớn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản bị gián đoạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may.

Để hạn chế những tác động tiêu cực, ông Phoa nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các thị trường khác để thay thế nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản số 842 UBND – KT về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid - 19.

Doanh nghiệp trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất do dịch Covid-19

Trước nguy cơ ảnh hưởng do dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Dương đã ban nổ lực tìm các gỡ khó cho doanh nghiệp tại địa phương.

 

Theo đó UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền thông tin tới các doanh nghiệp trên địa bàn về tình hình diễn biến dịch bệnh và các biện pháp ngăn ngừa để doanh nghiệp ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và UBND các huyện, thị xã, thành phố phân công đầu mối chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời phối hợp các Sở, ngành và các cơ quan liên quan để tìm hướng giải quyết, hỗ trợ phù hợp.

Đối với Sở Công Thương, UBND tỉnh yêu cầu phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Cục Hải Quân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tuần các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Sở Công Thương phối hợp với Cục Hải quan và các đơn vị liên quan có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hoá, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng. Sở Ngoại vụ phối hợp công an tỉnh tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cán bộ quản lý, chuyên gia nước ngoải, . . . nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để sớm triển khai công việc sản xuất, kinh doanh. Đối với những trường hợp phải cách ly theo quy định thì phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để thực hiện .

 

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm