Quảng Ninh: DN đề nghị có chiến dịch kích cầu du lịch ngay sau khi hết dịch Covid-19
DNVN - Trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị UBND tỉnh xây dựng chiến dịch kích cầu du lịch ngay sau khi hết dịch Covid-19.
Doanh nghiệp giữ ổn định sản xuất trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 / Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới DNNVV
Theo đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát tình hình ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19
Đoàn đã tiến hành khảo sát tại TP Cẩm Phả, Hạ Long, Mong Cái, Uông Bí, Thị xã Đông Triều với 22 DN thuộc các lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp điện tử, dịch vụ du lịch, ăn uống, kinh doanh thương mại và thương mại biên giới, kinh doanh vận tải, nuôi trồng thủy sản...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, đây là những ngành nghề, lĩnh vực được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp, sớm nhất của dịch Covid-19. Trong đó, ngành dịch vụ du lịch là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề do những tác động của Covid-19, kéo theo hàng loạt các ngành nghề khác như vận chuyển đi lại, dịch vụ ăn uống, khách sạn... cũng bị thiệt hại.
Kết quả khảo sát cho thấy, những ngành ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh gồm xuất, nhập khẩu, du lịch, vận tải. Những ngành bị ảnh hưởng gián tiếp gồ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp dựa vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, thương mại nội địa, đầu tư, phát triển DN...
Hoạt động của các DN, đặc biệt là các DN tại TP Móng Cái, địa phương biên giới giáp Trung Quốc, có hoạt động giao thương biên giơi sôi động, chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh. Sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, người lao động không đến làm việc, nhất là các DN có sử dụng lao động kỹ thuật là người Trung Quốc. Các DN nuôi trồng thủy sản khu vực Móng Cái thiếu công nhân, đặc biệt là công nhân kỹ thuật do người lao động không đến làm việc, mặc dù đã qua kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 20 ngày, ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ nuôi trồng.
Đặc biệt, DN lữ hành hủy đến 90% tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khác du lịch tới các tỉnh, TP đang có dịch và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam.
Tại các TP gồm Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phi, Uông Bí; thị xã Đông Triều, nhiều khách sạn, nhà hàng vắng khách, có nơi không có khách nghỉ. Khu di tích Yên Tử (Uông Bí). Ngọa Vân (Đông Triều) trong mùa lễ hội, lượng khách chỉ bằng 15% so với cùng kỳ.
Du lịch Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19.
Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh sụt giảm mạnh do tâm lý e ngại Quảng Ninh là vùng giáp biên giới Trung Quốc. Không có khách du lịch, khách giao thương, không có lưu thông hàng hóa, các DN vận tải hàng hóa, vải tải khách du lịch, taxi... gần như dừng hoạt động hoặc hiệu quả rất thấp. Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch tỉnh, khách đến Quảng Ninh giảm đến 90%, mặc dù hiện nay Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp bị lây nhiễm thứ cấp nào. Dịch vụ tham quan Hạ Long, cùng thời điểm này năm trước đón 12.000 lượt người/ngày, hiện nay chỉ còn 3.000 lượt/ngày và sắp tới còn giảm.
Tại TP Móng Cái, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc cấm đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tạm đóng cửa các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian có dịch bệnh, nhiều DN có hoạt động giao thương biên giới hoặ cphuj thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng do DN phía Trung Quốc cũng bị ngừng hoạt động. Hoạt động giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa DN hai nước bị đình trệ. Tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ hàng hóa tại các chợ biên giới diễn ra do yêu cầu hạn chế giao dịch thương mại của chính quyền của cả hai bên.
Do các ảnh hưởng trên, nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ, phải tạm dừng hoạt động, không có doanh thu nhưng hiện nay vẫn đang phải chi trả các khoản kinh phí rất lớn để trả lãi suất ngân hàng, nộp các loại thuế, phí, tiền thuê đất, chi phí lưu kho, lưu bãi, kinh phí duy trì bộ máy, trả lương chờ việc, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động... nguy cơ dẫn đến khủng hoảng tài chính DN là rất cao.
Trong thời điểm xảy ra dịch từ Tết Nguyên đán đến nay, đội tàu du lịch hơn 500 chiếc với trên 4.000 lao động, ngời lao động vẫn phải trực, DN vẫn phải trả lương trong khi đi đa số các tàu không hoạt động. Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội DN Móng Cái, trên 1.000 DN tại Mong Cái có tổng số người lao động tham gia đóng BHXH là 7.553 người, phải duy trì trả lương khoảng 500 - 600 tỷ đồng/tháng; đóng BHXH mức bình quân 1,4 triệu đồng/người/tháng, tương đương trên 11 tỷ đồng/tháng. Một DN XNK hàng hóa qua biên giới bị tồn 20 container hàng hóa, phải trả phí lưu kho 5 triệu đồng/ngày/container. Nếu dịch kéo dài, DN phải chi trả 3 tỷ đồng/tháng, chưa kể phí sử dụng hạ tầng, chi phí vận tải... đã nộp nhưng chưa có doanh thu bù đắp.
Đề nghị xây dựng chiến dịch kích cầu ngay sau khi hết dịch
Trước tình hình trên, Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh đã tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các DN đối với tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, hiệp hội này đề nghị các ngân hàng áp dụng các biện pháp hỗ trợ, miễn, giảm các loại phí, lãi suất cho vay, duy trì cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, miễn lãi quá hạn các khoản vay và cơ cấu lại các khoản nợ và thời gian trả nợ cho các DN.
Đề nghị cơ quan BHXH tỉnh cho dãn thời gian nộp BHXH, tạm dừng đóng BHXH bắt buộc, khoanh nợ BHXH cho DN các khoản trả, nộp chậm đề nghị không tính lãi và phạt DN; Đề nghị điện lực hỗ trợ một phần chi phí điện năng cho DN đang phải tạm ngừng hoặc hạn chế sản xuất, kinh doanh do dịch, nhất là một số DN dịch vụ du lịch: cáp treo Yên Tử, cáp treo Ngọa Vân...; Đề nghị Cục Thuế tỉnh xem xét giảm hoặc xác định lãi thuế khoán cho các tàu du lịch và giãn nộp thuế VAT..
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị với các địa phương, Sở, ngành phối hợp, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc giải quyết cho DN về đất đai, các dự án còn tòn đọng chưa giải quyết được đề xuất tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết cho DN.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét cho giảm phí tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh như Hạ Long, Yên Tử. Miễn, giảm tiền thuê đất cho DN và người dân chịu ảnh hưởng của dịch thời gian diễn ra dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất cho các DN logistics, DN bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dich vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Xây đựng các chiến dịch kích cầu ngay sau khi dịch kết thúc, chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy du lịch nội địa....
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo