Thị trường

Bình Dương: Shipper phải có phù hiệu nhận dạng, chỉ được vận chuyển hàng hóa thiết yếu

DNVN – Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh Bình Dương chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và yêu cầu ngoài các đặc điểm nhận diện thông thường, các đơn vị chủ quản phải chủ động làm phù hiệu nhận dạng cho shipper.

Nghề shipper giao hàng như thoi đưa giữa thời tiết gần 40 độ C / Khoảng 62.000 shipper ở TP Hồ Chí Minh được tiêm vaccine COVID-19

Nhằm hạn chế tối đa nhu cầu đi lại không thật sự cần thiết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động quản lý dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh có ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng.

Trong thời gian thực hiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh Bình Dương quy định shipper chỉ được vận chuyển hàng hoá thiết yếu.

Trong thời gian thực hiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh Bình Dương chỉ cho phép shipper chỉ được vận chuyển hàng hoá thiết yếu.

Theo đó, yêu cầu các đơn vị cung ứng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và quản lý, kiểm tra hoạt động của những người giao hàng bằng xe mô tô 2 bánh có ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng (shipper).

“Chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời các đơn vị chủ quản phải thực hiện điều chỉnh giảm 30% số lượng so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị 16”, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu.

Ngoài ra, bên cạnh các đặc điểm nhận diện thông thường (đồng phục, thùng hàng, nón bảo hiểm, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang sử dụng), các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm phù hiệu nhận dạng cho shipper (thẻ cứng có tên, hình, địa chỉ, điện thoại của shipper, xác nhận của công ty cho từng shipper).

UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ cần tổ chức hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn 1 huyện, thị xã, thành phố.

 

Đối với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ như nhân viên giao hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu, bưu điện, Viettel Post… thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.

Chủ động phối hợp các cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 định kỳ cho đội ngũ shipper của đơn vị (thực hiện xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần). Thường xuyên nhắc nhở đội ngũ shipper tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình tham gia giao thông cũng như giao nhận hàng hóa.

Định kỳ hàng ngày, thực hiện đăng ký danh sách đội ngũ shipper và địa bàn hoạt động về Sở Công Thương và Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp thành dữ liệu dùng chung của cơ quan quản lý và phục vụ tra cứu, nhận diện shipper khi cần thiết. Công bố thông tin số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để các lực lượng chức năng phối hợp, hỗ trợ, kiểm tra xác minh xử lý khi cần thiết.

“Các đơn vị cung ứng dịch vụ chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp để nhân viên giao hàng của đơn vị vi phạm về mục đích vận chuyển và không đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định trong quá trình hoạt động”, UBND tỉnh Bình Dương khuyến cáo.

Được biết, từ 0h ngày 2/8, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh thêm 14 ngày.

 


Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm