Bộ Công Thương bất ngờ đề xuất rút phương án điện một giá
Giá thịt lợn tại các địa phương “hạ nhiệt” / Bất chấp COVID-19, bán lẻ ngoại vẫn mở rộng 'chân rết'
Chiều 18/8, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp bàn về dự thảo sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sau một thời gian ngắn đưa ra lấy ý kiến.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực - cho biết: Tại dự thảo sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Cải tiến từ phương án biểu giá cho mục đích sinh hoạt gồm 6 bậc thang sang biểu giá điện có 5 bậc thang.
Phương án 2: Cải tiến từ phương án biểu giá cho mục đích sinh hoạt gồm 6 bậc thang sang biểu giá bán lẻ sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ sinh hoạt 1 giá, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng.
Tại phương án 2, ông Tuấn cho biết dự thảo đưa ra phương án 2A và 2B tương ứng mức điện một giá 145% và 155% giá điện bình quân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhiều ý kiến phản biện, góp ý về dự thảo biểu giá điện rất xác đáng, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, nghiên cứu.
Sau thời gian lấy ý kiến dự thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết phần lớn dư luận quan tâm tới phương án điện một giá.
Trong đó, một số ý kiến đã đề nghị làm rõ cơ sở nào để đưa ra điện một giá 145%, 155 % giá điện bình quân hay cơ cấu biểu giá điện bán lẻ có bảo vệ người nghèo không? Hay tại sao không sử dụng mức giá bán lẻ bình quân 1864,44 đồng/kWh trong phương án giá điện hiện hành để áp cho giá điện 1 giá. Một số ý kiến cũng cho rằng phương án điện một giá không khuyến khích tiết kiệm điện...
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực đã báo cáo và đề xuất Bộ trưởng Công Thương xem xét rút phương án 2A và 2B (2 phương án có lựa chọn điện một giá - PV).
Đồng thời tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.
Cục trưởng Cục điều tiết điện lực nhấn mạnh sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, ông Trần Tuấn Anh -Bộ trưởng Công Thương cũng nhấn mạnh, thời gian qua người dân, dư luận tỏ ra băn khoăn về phương án điện một giá.
"Điện một giá đang đánh đồng tất cả người tiêu thụ điện, cả người dùng nhiều hay dùng ít như thế vi phạm nguyên tắc xây dựng biểu giá điện, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả", ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Công Thương, nhiều ý kiến phản biện, góp ý rất xác đáng, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, nghiên cứu.
"Cho dù thực hiện phương án nào cũng đảm bảo nguyên tắc rất quan trọng đó là đảm bảo giá điện bình quân", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết khi xây dựng biểu giá bán lẻ điện cần đảm bảo được một số mục tiêu cơ bản, trong đó có việc đảm bảo nguồn cung điện, đảm bảo đời sống tầng lớp người dân khó; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có biên độ lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư vào hệ thống điện và sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả.
“Khi cùng đưa ra phương án một giá và 5 bậc thang là không phù hợp. Trong đó, phương án điện một giá chúng ta không đảm bảo được việc cân đối nguồn điện và chỉ giải quyết vấn đề tiền điện cho 2% khách hàng. Chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện một giá điện trong thời gian tới khi có thị trường điện bán lẻ cạnh tranh. Lúc này phương án một giá mới thực hiện có hiệu quả" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu ngành công thương cho rằng: Chỉ có phương án giá điện bậc thang mới đảm bảo được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên biểu giá bậc thang cũng cần được xây dựng, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ kịp thời các ý kiến đóng góp. Theo đó, ông đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tổ chức lấy ý kiến, làm rõ và hoàn thiện phương án giá điện bậc thang.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết, đối với tất cả các phương án, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng).
“Riêng các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng”, ông Tuấn nói
Cũng theo vị này, phương án 1 và phương án 2A, 2B đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy, dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau.
Về phương án điện một giá, ông Tuấn cho biết nếu giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân (phương án 2A) thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.
Tương tự nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (phương án 2B) thì các khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.
Các phương án được đưa ra tại dự thảo:
End of content
Không có tin nào tiếp theo