Thị trường

Tháo gỡ “nút thắt” cho xuất khẩu nông sản mùa dịch COVID-19

Thời gian qua, dù nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá, nhưng dịch COVID-19 đã khiến một số mặt hàng nông sản gặp khó trong xuất khẩu.

Kích vay tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế / Thanh Hóa: Làm giàu từ sản xuất gạch không nung

Bất chấp bối cảnh diễn biến COVID-19 phức tạp từ đầu năm và đang quay trở lại, nhưng nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp như: hạt điều, tôm, gạo…

Trái cây Việt Nam tắc đường sang Mỹ

Trong mùa dịch, hàng thực phẩm thiết yếu vẫn có cơ hội để tăng trưởng, thế nhưng trong nhiều điểm sáng cũng có những khó khăn nhất định để xuất khẩu sản phẩm như trái cây. Cụ thể, khó khăn ở đây là việc thiếu các nhân viên kiểm dịch chất lượng trái cây để xuất sang các thị trường như Mỹ, Trung Quốc.

Tháo gỡ “nút thắt” cho xuất khẩu nông sản mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo tìm hiểu của báo Nông thôn ngày nay, từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 3, Mỹ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ. Sau đó, việc kiểm dịch đã bị ách tắc. Giải pháp tạm thời là cử nhân viên Việt Nam của Cơ quan này nhận ủy quyền vào TP.HCM thực hiện kiểm dịch cho trái cây xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, khó khăn chủ yếu liên quan đến việc gia tăng kiểm tra các giấy tờ về chất lượng, bảo hiểm phương tiện…

Tờ Pháp luật TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất nhiều vì đã ký hợp đồng với đối tác, ký hợp đồng bao tiêu nhà vườn. Vì vậy, một vài công ty xuất khẩu trái cây đang triển khai nhiều phương án khác để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian chờ nhân viên kiểm dịch của Mỹ sang. Đơn cử như hạ giá bán, mở rộng thị trường tiêu thụ mới, đẩy mạnh bán tại thị trường nội địa. Riêng những loại trái cây đông lạnh như sầu riêng hoặc dừa vẫn xuất khẩu bình thường vì không phải thực hiện kiểm dịch thực vật.

Giá nhãn chạm đáy, nông dân thất thu

Trong khi đó, sản phẩm quả nhãn niên vụ 2020 là một niên vụ rất thành công, nên nếu biết tích cực triển khai các biện pháp xúc tiến các đơn hàng thì năm nay vẫn có thể là một năm thành công cho thứ quả ngọt này.

Tờ Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trên 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản quốc tế đã tham gia vào một hội nghị trực tuyến với trên 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam.

 

Tháo gỡ “nút thắt” cho xuất khẩu nông sản mùa dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Giá nhãn xuống thấp, người trồng lỗ nặng. (Ảnh minh họa: Báo NLĐ)

Tích cực xúc tiến như vậy nhưng theo báo Nông thôn ngày nay, không chỉ giá nhãn mà giá thanh long đều không khả quan. Do dịch COVID-19, cộng với thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều vào thời điểm cây nhãn đang ra hoa đã làm cho quá trình đậu quả cũng bị ảnh hưởng. Giá nhãn loại đẹp thời điểm này giảm còn 11.000 đồng/kg, không bằng nửa so với năm 2019.

Trong khi đó, giá thanh long Đắk Lắk có lúc rớt xuống 2.000 đồng/kg. Theo người dân, giá thanh long giảm mạnh là do thị trường tiêu thụ chính là Đà Nẵng đang bùng phát dịch, việc mua bán hạn chế. Ngoài ra, việc mạnh ai nấy làm, không đảm bảo về chất lượng cũng khiến không chỉ xuất khẩu mà ngay cả bán cho trong nước cũng khó.

Việt Nam đang trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới

Tuy nhiên trong bối cảnh một số sản phẩm trái cây gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, một điểm sáng lớn được báo chí nhắc tới nhiều là việc Việt Nam đang trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới.

 

Không những vậy, mà giá gạo xuất khẩu Việt Nam cũng tăng cao, vượt Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.

Tháo gỡ “nút thắt” cho xuất khẩu nông sản mùa dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Tờ Lao động trích đánh giá của các doanh nhân ngành lúa gạo cho hay, trong lịch sử 30 năm xuất khẩu, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan, đặc biệt mức chênh lệch từ 15 - 20 USD/tấn là hoàn toàn không nhỏ.

Theo tờ Nông thôn ngày nay, trong 7 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,9 triệu tấn, giảm 1,4%, thế nhưng giá trị xuất khẩu đạt 1,9 tỷ USD và mức tăng giá trị lên tới 10,9%.. Điều này cho thấy Việt Nam đang hướng tới sản xuất gạo chất lượng cao, cho mức giá tốt hơn. Bài báo cũng nhấn mạnh kết quả này là thành quả của quá trình tái cơ cấu sản xuất đúng hướng.

Cá tra tìm đường "bơi" về nội địa

 

Không chỉ các sản phẩm trái cây đang được khuyến khích tập trung vào thị trường nội địa, sản phẩm cá tra cũng đang tìm đường bơi về thị trường trong nước, nhưng theo báo Nông thôn ngày nay, chi phí vận chuyển giảm, cá tra mới mong có chỗ đứng.

Hiện cá tra tiêu thụ ở thị trường miền Nam khá tốt do giàu giá trị dinh dưỡng hơn cá trắm cỏ, chép. Tuy nhiên thị hiếu người miền Bắc khác, họ thích ăn cá sống nên việc tiếp cận cần có sự thay đổi linh hoạt hơn, một doanh nghiệp cho hay.

Bỏ dần tiểu ngạch, chuyển thành xuất khẩu chính ngạch

Tiếp cận thị trường nội địa 90 triệu dân đang được nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đẩy mạnh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới. Ngoài ra, tăng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế tiểu ngạch, trước hết là xóa bỏ các hoạt động tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở đang chứng minh là một trong những cơ hội để thay đổi, hướng đến xuất khẩu chính ngạch bền vững.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm