Bộ lọc mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Bất động sản du lịch phải cho sở hữu dài hạn mới thu hút được vốn đầu tư của dân / Ban hành quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng
Năm 2019, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có một số xu hướng chuyển dịch mới đáng chú ý. Về hình thức đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng chiếm tỉ trọng lớn và tốc độ tăng nhanh.
Về đối tác, vốn từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng mạnh, trong khi từ Nhật Bản nhiều khả năng không nằm trong top 3 quốc gia đầu tư lớn nhất như mọi năm. Về lĩnh vực, mặc dù vốn vẫn tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, song đang tăng nhanh hơn ở dịch vụ, hạ tầng.
Số liệu thống kê về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng đầu năm 2019 đã phản ánh được một phần thực tế như vậy. Cụ thể, tổng vốn FDI đạt mức 20,5 tỷ USD, vốn đăng kí cấp mới và vốn đăng kí điều chỉnh đều giảm so với cùng kì 2018; trong khi đó vốn đầu tư thông qua kênh M&A đạt 12,24 tỷ USD và tăng tới 47,1% so với cùng kì.
Việc nhà đầu tư nước ngoài ngày càng ưa chuộng hình thức M&A là điều khá dễ hiểu. Bởi lẽ đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức này nhanh hơn, rút ngắn được thời gian hơn so với việc trực tiếp thành lập các pháp nhân mới để thực hiện dự án mới. Khi đầu tư trực tiếp, đối với các dự án có quy mô từ vài chục triệu USD trở lên, hay có quy mô sử dụng đất từ vài chục ha trở lên thường mất ít nhất một vài năm để tiến hành làm thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, chi phí để đầu tư trực tiếp có nhiều khâu khó thống kê, trong khi đầu tư qua M&A thường là một gói kinh phí rõ ràng hơn, đại diện chủ đầu tư khi tiến hành M&A cũng dễ dàng báo cáo với hội đồng cổ đông, hay cấp trên có thẩm quyền phê duyệt quyết định về các khoản chi phí đối với thương vụ.
Về đối tác nước ngoài, tính đến 20/11/2019, các nhà đầu tư đến tư Hồng Kông (Trung Quốc) đứng đầu với số vốn đăng ký trên 6,8 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc 5,7 tỷ USD; Singapore 4,4 tỷ USD.
Điều đáng lưu ý ở đây là số vốn đăng kí đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng đột biến so với những năm trước, và lần đầu tiên Hồng Kông đứng ở vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 1 năm. Với các đột biến đó, nên theo thống kê năm 2019, đầu tư của đối tác truyền thống là Nhật Bản chỉ đứng thứ 5.
Về lĩnh vực đầu tư vẫn đang theo đúng xu hướng trong nhiều năm qua. Theo đó, vốn chảy mạnh nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm gần 70%.
Tiếp đến là đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm 20,4%; lĩnh vực bán buôn,bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 6,4%. Song ở đây có điều đáng tiếc là các lĩnh vực có tiềm năng mà Việt Nam đang cần và khuyến khích đầu tư như nông nghiệp công nghệ cao còn chưa thu hút được nhiều vốn ngoại.
Cần chính sách “nắn dòng”
Khi so sánh 2 con số 20,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp và 12,24 tỷ USD qua hình thức M&A, có thể thấy vốn đầu tư trực tiếp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên sự tăng tốc mạnh mẽ của hình thức M&A cũng đặt ra vấn đề, liệu có cần thiết kế chính sách để “nắn dòng” vốn ngoại hay để thị trường và nhà đầu tư tự định đoạt.
Bởi lẽ đến nay vẫn chưa có đánh giá chính thức nào so sánh được ưu điểm và hạn chế giữa 2 hình thức đầu tư này. Vì vậy chưa thể có đánh giá chính xác lợi ích cụ thể mà mỗi hình thức mang lại cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thực tế đó cho thấy, cần có nghiên cứu sâu về vấn đề này để bổ sung vào định hướng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, có nên xác định trước một tỷ lệ tương đối trong từng giai đoạn (ví dụ 5 năm) sẽ thu hút bao nhiêu % theo kênh trực tiếp và bao nhiêu % theo kênh M&A? Những ngành nghề, lĩnh vực nào cần và không cần khuyến khích đầu tư theo kênh M&A (chẳng hạn với ngành sản xuất bia, Việt Nam có thị trường, có năng lực để làm thì không nên khuyến khích)…
Để đánh giá toàn diện kết quả thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019 qua kênh góp vốn mua cổ phần, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, điển hình trong năm vừa qua để thấy rõ mặt được và chưa được, từ đó rút ra bài học về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài giai đoạn tới.
Về vốn đầu tư tăng nhanh từ Trung Quốc và Hồng Kông, cũng cần có các nghiên cứu kỹ lưỡng để xác định là do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và những biến động hiện nay tại Hồng Kông hay không. Bên cạnh đó việc sàng lọc dự án, định hướng thu hút các đối tác nước ngoài của Việt Nam cũng chưa được xác định rõ và thống nhất trong cả hệ thống về quản lý thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn có những lo lắng nhất định vì nhiều nguyên nhân như chất lượng dự án sẽ chuyển dịch vào Việt Nam, và là các nhà đầu tư nào?…
Vì vậy, đây là thời điểm cần cài đặt một bộ lọc nhà đầu tư ngoại để có thể chọn được những nhà đầu tư thật sự có năng lực, thân thiện với môi trường, bởi vì đã qua thời kì trải thảm đỏ với tất cả nhà đầu tư. Và cùng với thảm đỏ, cần có bộ lọc mới để chọn lựa và bảo vệ được uy tín, hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư nghiêm túc, luôn tuân thủ luật pháp quốc tế về đầu tư, của nước chủ nhà, đồng thời cũng là để bảo vệ sự phát triển hiệu quả của đầu tư nước ngoài tại Việt nam trong giai đoạn tới.
Không bó tay để chịu tác động xấu
Về kết quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2019, có thể nhận định chung là đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục thành công, với số vốn thực hiện năm sau cao hơn năm trước.
Xếp hạng tín nhiệm môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn tiếp tục được các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín đánh giá cao. Đầu tư nước ngoài đã có các đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm vừa qua, bổ sung nguồn vốn quan trọng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, thu hút công nghệ cao, tạo việc làm, góp phần nâng cao vai trò và vị trí của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy vậy trong các thành công đó không tránh khỏi những tồn tại của quá trình phát triển, mà việc đáng lưu ý nhất là quản lý đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Đơn cử dự án bất động sản Our City tại Hải Phòng đã để xảy ra việc tổ chức đánh bạc có quy mô lớn với yếu tố nước ngoài vài trăm người. Vụ việc này cho thấy rất cần rút ra các bài học kinh nghiệm để không để lặp lại những sự việc tương tự tại tất cả các địa phương trên cả nước.
Và không chỉ trong công tác quản lý xuất nhập cảnh của người nước ngoài, mà phải rút kinh nghiệm ở tất cả các lĩnh vực cụ thể khác liên quan đến đầu tư nước ngoài như việc dự án đã được cấp phép nhưng nhiều năm vẫn không triển khai; các vấn đề khác như nợ thuế, ảnh hưởng môi trường, sử dụng lao động người Việt và người nước ngoài trong doanh nghiệp, sử dụng đất,… cần đặc biệt quan tâm tới trong các hoạt động của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Các xu hướng chuyển dịch trong năm 2019 của dòng vốn đầu tư nước ngoài là nhất thời, ngắn hạn, hay sẽ trở thành xu hướng lâu dài, còn phụ thuộc vào 2 yếu tố chính. Thứ nhất, bối cảnh và diễn biến của tình hình thương mại và đầu tư quốc tế. Thứ hai, sự chủ động trong định hướng thu hút FDI của Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn trước bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước.
Bối cảnh quốc tế nói chung sẽ tác động rất lớn đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của mọi quốc gia, nhưng không phải các quốc gia đều chịu bó tay để chịu tác động xấu. Trước đây Việt Nam còn bị bao vây cấm vận, còn trải qua khủng hoảng tài chính khu vực..., nhưng chúng ta đã biết cách chủ động vượt qua. Đến nay, trước những biến động ở bên ngoài, thì việc đóng và mở cửa cho ai, lựa chọn dự án nào là sự chủ động và quyền của chính chúng ta.
Vì vậy, đây chính là thời điểm cần cài đặt một bộ lọc nhà đầu tư nước ngoài để có thể chọn được những nhà đầu tư ngoại thật sự có năng lực, thân thiện với môi trường, với xã hội Việt nam.
Sự chủ động này của Việt Nam sẽ quyết định xu hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới, mang lại hiệu quả cao nhất cho Việt Nam và cho các nhà đầu tư chân chính tại Việt Nam.
Bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn, thách thức mới, tháng 8/2019 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng đã ban hànhNghị quyết 50-NQ/TWvề định hướng hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc từ trung ương đến các địa phương, như vậy sẽ thúc đẩy hoạt động thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong giai đoạn tới đúng hướng,mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, bền vững hơn trên mọi góc độ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng,văn hóa, đối ngoại… và chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của các nhà đầu tư chân chính.
End of content
Không có tin nào tiếp theo