Thị trường

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Công nghiệp, thương mại dịch vụ khu vực biên giới còn kém phát triển

DNVN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn cho rằng cơ cấu kinh tế khu vực biên giới còn bất hợp lý khi kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung kém phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu.

34 doanh nghiệp Indonesia bị cấm xuất khẩu than / Siết chặt điều kiện kinh doanh bất động sản

Tại Hội nghị Phát triển kinh tế khu vực biên giới do Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và 25 tỉnh biên giới tổ chức sáng 16/8, đại diện Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi cho biết, kinh tế khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay.
Trong bối cảnh đầy khó khăn do đại dịch, kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương. 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước (5,64%). Một số tỉnh tăng trưởng ở mức 2 con số, ví dụ như Quảng Ninh.
2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nông lâm thủy sản tăng trưởng ở mức khá.
Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu.
Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%). Hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa.
Với những khó khăn này, các tỉnh biên giới đã đưa ra 200 kiến nghị về phát triển kinh tế. 200 kiến nghị được chia vào nhiều nhóm vấn đề như: hạ tầng giao thông; nâng cấp, mở mới các cửa khẩu; hạ tầng thương mại biên giới; phát triển điện lực; phát triển công nghiệp; xúc tiến thương mại – xuất nhập khẩu; quản lý thị trường...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế khu vực biên giới đạt được trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như: Cơ cấu kinh tế bất hợp lý khi kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo ở khu vực biên giới; công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung kém phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu; thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu.
Người đứng đầu Bộ Công Thương đã chỉ ra những tiềm năng, lợi thế của việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế trẻ ở khu vực này là khai thác thị trường hơn 1,5 tỷ dân Trung Quốc cũng như khai thác thị trường ASEAN và thị trường các nước mà Việt Nam là thành viên (FTA).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các tỉnh khu vực biên giới cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nhất là đô thị và công nghiệp thương mại nhất là đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, cần tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Kịp thời, chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới.
Nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới. Có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới của đất nước...
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm