Thị trường

Ngành dệt may và nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng

Mặc dù 7 tháng đầu năm, ngành dệt may đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp lo ngại về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, mất hợp đồng và không đảm bảo được tiến độ các đơn hàng đã ký.

Bán nông sản sang Ma-rốc: Cần yêu cầu đối tác đặt cọc tối thiểu 25% giá trị lô hàng / Ấn Độ không áp thuế chống bán phá giá gỗ MDF nhập khẩu từ Việt Nam

Ngành dệt may đứng trước nhiều khó khăn trong dịch COVID-19. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Ngành dệt may đứng trước nhiều khó khăn trong dịch COVID-19. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Lưu thông hàng hóa khó khăn

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang cho biết, việc áp dụng các biện pháp chống dịch tại các chốt kiểm dịch ở các địa phương chưa thống nhất, đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu, chuỗi sản xuất của doanh nghiệp, khi không nhập được nguyên phụ liệu sản xuất, dẫn đến nguy cơ đứt quãng hay phải dừng sản xuất cũng có thể xảy ra. Chưa kể, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với yêu cầu chuyển đổi hình thức xuất hàng từ đường biển sang đường hàng không, khiến chi phí đội giá vài chục lần.

Tương tự, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho hay, doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu hụt container cho cả hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu.

Cùng với đó, việc lưu thông hàng hóa trong nội địa hiện nay luôn trong tình trạng ách tắc do chưa thống nhất giữa các địa phương, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển nguyên vật liệu nhập khẩu từ cảng về May 10, rồi phân phối vận chuyển đi các đơn vị thành viên ở các tỉnh và hàng hóa thành phẩm chuyển từ các tỉnh về May 10 ở Hà Nội để xuất khẩu.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải đang “đòi” tăng giá cước lên 20%, trong khi May 10 vẫn phải chi trả những chi phí phát sinh khác như xét nghiệm cho lái xe, tiêm vaccine…

Qua tìm hiểu, thực tế trên đang gây ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may, bởi nếu giao hàng chậm thì sẽ bị phạt tiến độ, cùng với việc phát sinh thêm nhiều chi phí khiến doanh nghiệp có thể phá sản.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy, do thiếu sự điều hành thống nhất của các địa phương trong lưu thông hàng hóa, nguyên liệu.

Cùng với đó, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến phần lớn các nhà máy may mặc tại các địa phương này phải đóng cửa, vì không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”.

 

Không chỉ vậy, việc thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” cũng gặp nhiều trở ngại. “Doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động. Các doanh nghiệp lao đao do phải giảm 50%-60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách. Nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống dịch COVID-19”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.

Chi phí vận tải đường bộ, đường biển quốc tế tăng cao, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng theo, đã ảnh hưởng nhiều tới quy trình sản xuất. 7 tháng đầu năm, ngành Dệt may đã xuất khẩu lên tới 22,86 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt Bangladesh để vươn lên xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 1/2022, nhưng tình hình dịch căng thẳng, đang khiến doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” tìm cách để duy trì sản xuất, đảm bảo đơn hàng. Ngành dệt may hiện chỉ vận hành được 10-15% công suất.

“Dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 39 tỷ USD đặt ra. Không doanh nghiệp dệt may nào dám nghĩ đến khả năng sản xuất kinh doanh hiệu quả trong năm 2021”, ông Vũ Đức Giang khẳng định.

Không chỉ dừng ở sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, mối lo lắng của doanh nghiệp dệt may hiện nay là khả năng sản xuất không ổn định, khiến các đối tác sẽ dịch chuyển đơn hàng, ảnh hưởng đến sản xuất trong những năm tiếp theo. Vì vậy, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vaccine, đặc biệt là lái xe vận tải hàng hóa thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vaccine, nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt.

VITAS cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp và địa phương thống nhất phối hợp thực hiện, vì một số địa phương yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa ngay cả khi chưa có ca F0; đồng thời, sớm kích hoạt các gói hỗ trợ, vay tín dụng cho doanh nghiệp.

 

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có phương án thống nhất, đảm bảo hàng hóa lưu thông được thông suốt, để chuỗi sản xuất, cũng như xuất nhập khẩu thuận lợi, nhất là trong giai đoạn từ tháng 7 đến hết tháng 9, vì đây là thời điểm nóng nhất của ngành Dệt may.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm