Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến trong thời gian tới
Nửa tháng đầu năm, kim ngạch rau quả ước đạt gần nửa tỷ USD / Ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về tầm quan trọng của việc tháo gỡ cơ chế, chính sách, khơi thông dòng, vốn vực dậy thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển bền vững nền kinh tế thời gian qua.
Thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài trong cả năm 2023 và Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cùng nhập cuộc với hàng loạt chính sách được ban hành kịp thời. Xin Bộ trưởng cho biết, các “trợ lực” chính sách này đã phát huy tác dụng ra sao đối với việc vực dậy thị trường bất động sản?
Thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, thiếu cân đối trong cơ cấu sản phẩm, phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa. Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình thiếu nguồn cung gay gắt, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng… Thị trường gặp khó khăn trong huy động và tiếp cận các nguồn vốn, trong khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bộc lộ nhiều tồn tại, rủi ro.
Trong bối cảnh đó, lĩnh vực bất động sản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao và quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. Ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã tham mưu và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tái cơ cấu thị trường bất động sản, đảm bảo thúc đẩy nâng cao tỷ trọng nhà ở xã hội và nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, hướng tới minh bạch, cân đối cung cầu thị trường.
Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương để thực hiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhằm rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho nhiều địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản trên địa bàn.
Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ, yêu cầu về tái cơ cấu thị trường bất động sản. Các bộ, ngành và địa phương đã và đang nghiêm túc, quyết liệt triển khai nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các công điện này.
Song song với giải pháp chỉ đạo điều hành trong thực tiễn, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật để có những tháo gỡ mang tính căn cơ cho thị trường bất động sản. Điển hình là Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngừng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo đó, có quy định nhiều điểm mới, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có thêm phương án xử lý trái phiếu, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán.
Tiếp đến là Nghị định số 35/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; trong đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1 điều kiện đầu tư kinh doanh, 41 thủ tục hành chính; phân cấp 4 thủ tục hành chính từ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành về cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh. Từ đó, tạo sự chủ động hơn nữa cho các địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc kiểm soát chất lượng thiết kế, thi công, chất lượng công trình được kiểm tra nghiệm thu đưa vào sử dụng của các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án nhà ở.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo thẩm quyền được giao, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể các quy định pháp luật để quản lý tốt hơn nguồn vốn cho thị trường bất động sản, kiểm soát tốt hơn việc phát thành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/TT-BXD với nội dung chính là sửa đổi quy định về điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên cơ sở quy hoạch phân khu và quy hoạch chung được duyệt. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lựa chọn chủ đầu tư.
Thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại từ quý III/2023. Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III tăng hơn 3 lần; số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở tăng khoảng 150%. Hiện có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với hơn 8.200 căn hộ, tăng 132% số căn hộ… Các dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản đặt ra kỳ vọng thị trường dần phục hồi và phát triển trở lại trong năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ đã cho thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản được cả người dân, doanh nghiệp và các địa phương mong đợi cũng như kỳ vọng rất nhiều. Xin Bộ trưởng cho biết về tình hình, kết quả tháo gỡ trong thời gian vừa qua?
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được thành lập có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác đã làm việc với nhiều địa phương, làm việc trực tiếp với nhiều chuyên gia và một số doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Qua rà soát, nắm bắt tình hình, Tổ công tác cũng đã có nhiều báo cáo, tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ đạo với các biện pháp cụ thể và quyết liệt để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản; trong đó, có Nghị quyết số 33/NQ-CP. Cùng đó là các công điện của Thủ tướng Chính phủ như: Công điện số 194/CĐ-TTg về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản; số 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; số 470/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; số 993/CĐ-TTg về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã có những tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể về mặt thể chế. Nổi bật là Nghị định số 10/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 08/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Nghị định số 35/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể các quy định pháp luật của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và một số bộ ngành khác.
Đến thời điểm hiện tại, Tổ công tác đã tiếp nhận 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản; nghiên cứu, rà soát và chuyển các văn bản nêu trên tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ ngành để đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Bộ Xây dựng đã ban hành 37 văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 4 văn bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành 2 văn bản trực tiếp hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các nội dung quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cho các địa phương. Qua đó, nhiều dự án bất động sản tại các địa phương cơ bản đã được giải quyết, tháo gỡ nút thắt quan trọng và đạt một số kết quả đáng ghi nhận.
Điển hình như thành phố Hà Nội giải quyết được 419 dự án vướng mắc, tương đương 60% so với số lượng dự án ban đầu. Tp. Hồ Chí Minh đã giải quyết được 67 dự án vướng mắc, chiếm 37% số lượng dự án ban đầu; trong đó, có 28 dự án được tháo gỡ theo hướng dẫn của Tổ công tác và 39 dự án do địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền.
Thành phố Hải Phòng đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho 66 dự án. Thành phố Cần Thơ đã giải quyết được khó khăn cho 17 dự án, xử lý thu hồi 4 dự án và hiện đang tiếp tục triển khai tháo gỡ cho 31 dự án.
Với các giải pháp hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương và các hoạt động hiệu quả, tích cực, thực chất của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại từ quý III/2023, được đánh giá đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.
Hai dự án luật quan trọng là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Xin Bộ trưởng cho biết, hành lang pháp lý với những điểm mới liệu có đủ “mạnh” để giúp thị trường bất động sản cũng như doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực này vượt khó và phát triển bền vững trong dài hạn?
Trong năm 2023, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngay trong Kỳ họp thứ 6 vừa qua với nhiều nội dung đổi mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Đặc biệt, là tháo gỡ tồn tại, vướng mắc để thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tiến tới cơ cấu lại hợp lý hơn sản phẩm thị trường bất động sản; tháo gỡ các rào cản để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững và minh bạch hơn.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn dưới Luật, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngay khi có hiệu lực thi hành.
Với hệ thống các quy định mới này và các giải pháp hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, chắc chắn sẽ thúc đẩy cả nguồn cung và nhu cầu nhà ở xã hội trong thời gian tới. Từ đó, góp phần tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng cân đối, phù hợp hơn, đồng thời tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn để thị trường bất động sản vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Các dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản cũng đặt ra kỳ vọng thị trường dần phục hồi và phát triển trở lại trong năm 2024. Tuy nhiên, để các dấu hiệu tích cực này cải thiện nhanh hơn, Bộ Xây dựng, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện những giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định trong Nghị quyết 33/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các địa phương và doanh nghiệp bất động sản.
Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp ứng phó và tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp điều hành thị trường bất động sản, đáp ứng mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững. Với việc tập trung, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, tôi hy vọng thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến và phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp