Bức tranh nhiều điểm sáng kinh tế Việt Nam tháng 1
Xuất khẩu thuỷ sản 2024 dự báo đạt 9,5 tỷ USD nhờ những cú “bẻ lái” / Người trồng thanh long Bình Thuận tiết kiệm 50% năng lượng nhờ chuyển đổi xanh
Những giỏ quà Tết bình dân đắt hàng
Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Những chiếc xe đẩy hàng ngày càng được chất nhiều đồ hơn bởi người dân đang tất bật mua sắm, chuẩn bị Tết. Đó cũng là lý do tại sao mà tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 524 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo khảo sát tại nhiều điểm bán hàng thời điểm này, thay vì những giỏ quà Tết đẹp mắt với giá tiền triệu, những giỏ quà Tết có giá bình dân, ưu tiên lựa chọn hàng Việt vừa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, giá cả lại hợp túi tiền đang là xu hướng tiêu dùng Tết năm nay của nhiều người dân.
Anh Hải mất khá nhiều thời gian để lựa chọn giỏ quà Tết, làm quà biếu tặng người thân, gia đình dịp Tết với giá từ 500.000 - 700.000 đồng. Năm nay, thu nhập không cao nên mức chi cho quà Tết cũng giảm đi nhiều.
"Năm nay, chi tiêu của tôi sẽ thận trọng hơn so với năm ngoái và các lẵng quả, giỏ quà thì sẽ thấp hơn khoảng 30%. Tầm giá 500.000 - 700.000 đồng" - anh Vũ Văn Hải chia sẻ.
Đối với các đơn đặt hàng trực tuyến, ngay sau khi nhận đơn, nhân viên sẽ bắt đầu đóng gói để kịp thời gian giao hàng cho khách.
Theo chủ cửa hàng, những giỏ quà có giá dưới 1 triệu đồng được ưa chuộng dịp Tết năm nay do người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, mặc dù giá giảm nhưng chất lượng vẫn được đặt lên hàng đầu.
"Về nhu cầu thì mọi người giảm túi tiền khi mua sắm. Ví dụ như trước đây là 10 đồng thì giờ họ chỉ bỏ 7 đồng để mua một lẵng quà Tết mà phải phong phú chủng loại, nhiều loại hoa quả bày trí đẹp, có tem mác, thương hiệu rõ ràng" - chị Võ Ngô Lan Phương, chủ cửa hàng trái cây Cát Tường, cho biết.
Dù mức giá không phải là cao nhưng một giỏ quà vẫn đầy đủ từ nước ngọt đến bánh kẹo. Đại diện các siêu thị cho biết, năm nay, giỏ quà thiết kế phù hợp với túi tiền người dân hơn, đa số là dưới 500.000 đồng, với phần lớn các sản phẩm là hàng Việt. Sát dịp Tết, các doanh nghiệp cũng tăng nguồn cung và giảm giá để kích cầu tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuỗi siêu thị Winmart - cho biết: "Chúng tôi thực hiện các chương trình xuyên suốt giảm giá 20%. Chúng tôi tăng về lượng khoảng 20 - 30% lượng hàng so với Tết năm ngoái tuỳ nhóm, đặc biệt là nhóm sản phẩm bánh kẹo và nhóm sản phẩm về lương thực thực phẩm".
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng 10 - 25% so với cùng kỳ. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ sẽ phối hợp với Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các tỉnh trên cả nước.
Thu hút vốn FDI tăng mạnh trong tháng 1
Nếu trong lĩnh vực tiêu dùng, những sản phẩm Made in Viet Nam đang được ngày càng nhiều người ưa chuộng thì trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng là điểm đến được nhiều doanh nghiệp ngoại lựa chọn. Bằng chứng là tính đến ngày 20/1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh.
Trong tháng 1, 190 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Số dự án tăng, đặc biệt là các dự án quy mô lớn là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, gấp gần 40 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - cho rằng: "Hiện nay, trong tháng 1, thu hút được một dự án FDI với quy mô 66 triệu USD cũng là một tín hiệu rất đáng mừng với các khu công nghiệp tại Hà Nội trước thềm năm mới. Kết quả thực hiện trong tháng 1/2024 tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023".
Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng chú ý, trong năm vừa qua, tỉnh cũng đón thêm 1,4 tỷ USD, tăng hơn 91% so với năm 2022.
Ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết: "Các dự án thu hút về tỉnh trong năm qua, đa số đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Đặc biệt, tỉnh thu hút các ngành mới là hóa dầu, ngành nghề phục vụ rất thiết thực cho nhu cầu sản xuất trong nước".
Xét về các đối tác, Nhật Bản đứng thứ 2 trong số các quốc gia rót vốn vào Việt Nam nhiều nhất. Trong báo cáo mới đây nhất của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, hơn 56% doanh nghiệp nước này cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới.
Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh - cho rằng: "Tuy một năm có nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ doanh nghiệp trả lời có lãi và mở rộng trong 1 - 2 năm tới vẫn chiếm tỷ lệ cao. Có sự sụt giảm về số điểm do ảnh hưởng chung của tình hìnhkinh tếthế giới nhưng điểm tích cực là tại văn phòng của Jetro vẫn có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư và văn phòng của chúng tôi có thể xem là một trong những nơi bận rộn nhất của khu vực ASEAN".
Tháng 1 vừa qua, vốn giải ngân cũng rất khả quan, đạt mức 1,48 tỷ USD. Nhìn lại kết quả của năm ngoái, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài cũng ở mức kỷ lục 23,18 tỷ USD. Đà tăng được duy trì là cơ sở để chúng ta tin tưởng dòng vốn FDI sẽ tiếp đà khởi sắc trong năm nay.
Kinh tế Việt Nam tháng 1/2024 vẫn còn những điểm ấn tượng như cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước; chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện rộng khắp nên khách quốc tế đến nước ta tháng 1 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo