Cà Mau: Thế mạnh từ nuôi tôm sinh thái
Đắk Lắk: Bí quyết nuôi bò vỗ béo / Người nuôi thủy sản giỏi nhất Bà Rịa - Vũng Tàu
Chú trọng môi trường
Mô hình nuôi tôm công nghiệp, nhất là diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang trên đà phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có diện tích ao nuôi tôm thâm canh gần 8.600 ha, diện tích ao nuôi tôm siêu thâm canh gần 2.500 ha, với 2.427 hộ nuôi. Phần lớn diện tích ao nuôi tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển…
Những năm đầu triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau, diện tích ao nuôi và sản lượng tôm tăng mạnh. Tuy nhiên, “bài toán” môi trường bị ô nhiễm quá mức do tình trạng nuôi tôm tự phát nằm ngoài vùng quy hoạch trở thành mối lo tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, dù đã có nhiều cải thiện khi khoa học – kỹ thuật được ứng dụng rộng dãi hơn, nhưng nhiều hộ nuôi tôm vẫn chưa thực sự quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải mà chủ yếu xả nước thải nuôi tôm trực tiếp ra sông, rạch làm ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất trong vùng.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải cho rằng: “Để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến tôm xuất khẩu, tỉnh cần đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình nuôi tôm có hiệu quả, song phải tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, an toàn trong sử dụng điện”.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Công văn số 735 ngày 16/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác chỉ đạo nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; Quyết định số 1874 ngày 10/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau…
Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã và đang tích cực phổ biến phương pháp thu gom nước bùn, chất thải tại hố chứa chất thải xi phông, nhằm đảm bảo việc xử lý chất thải, nước thải đạt hiệu quả. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng rà soát, hoàn thiện quy trình chuẩn về xử lý chất thải, nước thải trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh để triển khai hướng dẫn hộ dân áp dụng có hiệu quả.
Cà Mau đặt mục tiêu đưa kim ngạch ngành tôm lên 3 tỷ USD năm 2030
Mục tiêu tỷ USD
Bên cạnh chú trọng giải quyết “bài toán” môi trường, những năm qua, Cà Mau đang đẩy mạnh mở rộng về diện tích, phát triển nhiều loại hình nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến vào nuôi siêu thâm canh, đưa ngành tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Cà Mau đang tập trung thực hiện hiệu quả đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai giải pháp khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giảm tổn thất sau thu hoạch trong nuôi tôm.
Theo đề án, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 280.000 ha. Tổng sản lượng đạt 280.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi tôm không mở rộng mà chỉ ổn định ở mức 280.000 ha, nhưng sản lượng tăng từ 280.000 tấn năm 2020 lên 415.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD.
Tỉnh Cà Mau đang chú trọng đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ khuyến ngư các cấp, ưu tiên đào tạo chuyên ngành công nghệ sinh học, ngành ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi tôm và chế biến xuất khẩu ngành hàng tôm. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cà Mau đang chú trọng mô hình nuôi tôm sinh thái