Thị trường

Cá tầm nhập từ Trung Quốc khó chứng minh được nguồn gốc, giá rẻ hơn nhiều cá trong nước

DNVN - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ những năm 2020, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm phản ánh việc cá tầm Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Theo ý kiến này, nguồn cá nhập từ Trung Quốc không chứng minh được nguồn gốc và giá bán chỉ bằng phân nửa hoặc hai phần ba giá cá tầm trong nước.

Lào Cai: Nuôi cá tầm trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm / Dân TPHCM “đổ xô” mua cá tầm 100.000 đồng/kg ủng hộ người nuôi cá vùng lũ

Tại buổi làm việc vớiCơ quan Quản lý Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) Việt Nam về hoạt động nhập khẩu cá tầm ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho hay từ những năm 2020, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm phản ánh việc cá tầm Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Theo ý kiến này, nguồn cá nhập từ Trung Quốc không chứng minh được nguồn gốc và giá bán chỉ bằng phân nửa hoặc hai phần ba giá cá tầm trong nước.

Do khó truy xuất nguồn gốc, một số cá thể cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam có thể là con lai. Điều này trái với Công ước CITES mà Việt Nam là một nước tham gia. Trong đó, CITES quy định rõ, cá tầm nhập khẩu, sản xuất thương mại phải là thuần chủng.

Lấy ví dụ về chuyện ốc bươu vàng trước đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần những đánh giá đầy đủ, chính xác về những cá thể lai, bởi chúng có thể xâm thực tự nhiên, phá hỏng hệ sinh thái, thậm chí gây nguy cơ dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phân tích, cá tầm lai sẽ hưởng ưu thế lai và phát sinh kích thước, trọng lượng nhỉnh hơn so với cá tầm thuần chủng. Quan điểm của Thứ trưởng là không cấp phép cho hoạt động nhập khẩu cá tầm lai.

Tại Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là cơ quan thường giám định cá tầm dựa trên gen ty thể. Tuy nhiên, viện này chỉ đưa ra kết quả giám định mà không kết luận mẫu vật giám định có phù hợp với giấy phép CITES hay không. Hai lý do được đưa ra, là giám định gen ty thể chỉ xác định di truyền theo dòng mẹ; và việc giám định ty thể chỉ trên một loại gen nên chưa đủ cơ sở kết luận.

Trong 246 kết quả giám định ADN ty thể cá tầm năm 2021, 24 mẫu tương đồng với trình tự gen của loài cá tầm Amur, 2 mẫu tương đồng với cá tầm Sterlet, nhưng có tới 220 mẫu vừa tương đồng với loài Siberi vừa tương đồng với trình tự gen của cá tầm Nga. Thống kê này lột tả một phần số lượng cá tầm lai trong thực tế.

Cá tầm nhập từ Trung Quốc được bán trên thị trường.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng hai nước có thể phối hợp triển khai một đơn vị thí nghiệm trung lập, nhằm đảm bảo lợi ích giữa bên xuất và nhập khẩu.

Nhập khẩu cá tầm với mục đích làm thực phẩm và sản xuất thương mại cần bộ tiêu chí đánh giá khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến những rủi ro về mất an toàn thực phẩm, thậm chí mang mầm bệnh cho cá tầm trong nước.

Về các vấn đề liên quan đến SPS trong nhập khẩu cá tầm, ông Hòa khuyến nghị, các bên cần hài hòa lợi ích với nhau theo quy định của WTO và thông lệ quốc tế. Hiện nay, một số tỉnh biên giới Trung Quốc, nghề nuôi cá tầm được xem là giải pháp xóa đói giảm nghèo cho người dân. Triển khai 3 nhiệm vụ

Trong bối cảnh chưa có cơ quan nào tại Việt Nam đưa ra kết luận về giám định cá tầm nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ, giấy phép CITES cấp cho cá tầm phải là cá thể thuần chủng.

Dưới góc độ khoa học, ông cho rằng không thể "đưa kết quả chung chung". Giải pháp được Thứ trưởng đưa ra, là kiểm soát chặt chứng chỉ lấy mẫu, tăng tần suất lấy mẫu, tăng số lượng lấy mẫu. Nếu không thể kết luận bằng giải trình tự một gen, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các bên liên quan phối hợp để giải trình tự nhiều gen, đến khi "ra câu trả lời cuối cùng".

Mỗi kết luận đưa ra phải chuẩn, phải dựa trên cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học. Kiểm soát nhập khẩu cá tầm không chỉ là nhiệm vụ của CITES, mà còn là trách nhiệm của ngành thủy sản, ngành thú y, ngành nông nghiệp.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm