Chính sách

Siết chặt nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc: Phải có kết quả giám định chủng loại mới được thông quan

DNVN - Tổng cục Hải quan vừa có chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, các lô cá tầm nhập khẩu chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp KH&CN: Bước đột phá lớn để DN phát triển vượt đại dịch Covid-19 / Đề xuất các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện mở đường, dẫn dắt DN thuộc các thành phần kinh tế khác

Ngày 26/01/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 580/BNN-TCTS về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, trong đó có đề nghị “Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng...kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam”. Theo đó, ngày 18/02/2021, Tổng cục Hải quan có công văn số 808/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc thực hiện thủ tục nhập khẩu cá tầm và các chính sách nhập khẩu liên quan.

Nhập khẩu cá tầm phải giám định chủng loại từng lô hàng

Theo Tổng cục Hải quan, qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trường thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan (cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii), cụ thể như sau:

Ngày 17/3/2021, Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đăng ký tờ khai hải quan số 103894536910 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại.

Ngày 19/3/2021, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I ban hành thông báo kết quả giám định số 91/VTS I xác định: Mẫu 1, mẫu 2 và mẫu số 5 thuộc bộ cá Tầm Acipenseriformes họ cá Tầm Acipenseridae và thuộc giống cá Tầm Huso huso và gần với loài cá tầm beluga hơn các loại khác. Mẫu 3 và mẫu 4 phân tích thuộc bộ cá Tầm Acipenseriformes họ cá Tầm Acipenseridae và thuộc giống Tầm Acipenseri có chỉ số hình thái gần với cá Tầm Trung hoa Acipenser sinensis. Căn cứ kết quả giám định nêu trên thì hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).

Ngày 23/3/2021, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có công văn số 497/GSQL-GQ1 đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn căn cứ kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp ngày 23/3/2021 thì toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan. Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã mời doanh nghiệp để yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định.

Trong một vụ việc khác, ngày 19/3/2021, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai hải quan số 103903113310 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp với Chi cục Hải quan lấy mẫu giám định ngay tại cửa khẩu.

Ngày 20/3/2021, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 ban hành thông báo số 93/VTS I kết luận: Lô hàng nhập khẩu cá tầm ở cửa khẩu Lào Cai khá đồng nhất về dạng hình, chỉ có 01 loài; 06 mẫu phân tích thuộc bộ cá tầm Acipenseriformes, họ cá Tầm Acipenseridae và thuộc giống cá Tầm Acipenser. Căn cứ vào khóa phân loại hình thái của cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baeri) để phân tích có thể xác định những mẫu cá được kiểm tra ở trên không phải là cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baeri Brandt 1869), 6 mẫu cá này có thể là con cá lai giữa các loài cá tầm với nhau. Căn cứ kết quả giám định nêu trên thì hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép Cites do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).

Ngày 23/3/2021, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có công văn số 496/GSQL-GQ1 đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lào Cai căn cứ kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xử lý theo đúng quy định.

Ngoài ra, hiện nay, có 2 lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Lạng Sơn cũng đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu gửi lấy mẫu để thực hiện giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nhưng đến nay chưa có kết quả.

Chỉ cho phép nhập khẩu cá tầm thuần chủng

Ngày 20/3/2021, Tổng cục Hải quan đã tổ chức cuộc họp với đại diện các đơn vị của Bộ NN&PTNT (Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, Viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản 1), Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật để bàn phương án và phối hợp xử lý các lô hàng cá tầm nhập khẩu vi phạm.

Tại cuộc họp, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đều thống nhất cá tầm ghi trong Danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Phụ lục Cites theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 39 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ phải là cá tầm thuần chủng, không phải con lai; việc cấp Giấy phép cũng chỉ áp dụng đối với loài cá tầm thuần chủng; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cũng khẳng định qua một số mẫu giám định đều xác định được trong một lô hàng thì có nhiều con cá tầm có hình thái bên ngoài khác nhau. Việc nhập khẩu các loài con lai (không chỉ riêng cá tầm) sẽ làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của các loài sinh vật tại Việt Nam, đôi khi có hại cho môi trường sống.

Trên cơ sở kết quả giám định của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đối với 2 lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng sơn; ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã xác định: Cá tầm nhập khẩu không phải là cá tầm thuần chủng, không đúng khai hải quan, không đúng tên hàng ghi trên Giấy phép Cites, không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (Phụ lục VIII) ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Theo quy định hiện nay, chỉ có cá tầm thuần chủng mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, chỉ có cá tầm thuần chủng mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Siết chặt nhập khẩu cá tầm: Phải có kết quả giám định mới được thông quan

Sau khi thống nhất các nội dung tại cuộc họp, trong thời gian tới để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ cá tầm nhập khẩu, kịp thời ngăn chặn việc nhập khẩu cá tầm không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ, không đúng với Giấy phép Cites, Tổng cục Hải quan tiến hành:

 

Chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu: Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

Tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Phối hợp cung cấp thông tin cho Cơ quan quản lý Cites Việt Nam về các lô hàng nhập khẩu không đúng nội dung ghi trên Giấy phép Cites hoặc không thuộc Phụ lục Cites theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 39 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn: Phối hợp với cơ quan hải quan lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu ngay tại cửa khẩu. Không cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kiểm dịch tại các địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp đến khi có kết quả giám định của các đơn vị liên quan để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Xác định cụ thể chủng loại cá tầm nhập khẩu có đúng với Giấy phép Cites hay không? có thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không? Trường hợp không đúng với Giấy phép Cité, đề nghị trao đổi với Cơ quan CITES Trung Quốc và có biện pháp xử lý triệt để đối với vấn đề này, tránh việc cá tầm không rõ nguồn gốc nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam.

 

Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng cá tầm nói riêng và các mặt hàng động vật, thực vật tươi sống hoặc đã qua chế biến nhập khẩu.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, có cảnh báo để ngăn chặn việc các loài động vật ngoại lai có hại hoặc không có trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (như: tôm hùm đỏ, tôm hùm đất, rùa tai đỏ...) nhưng có đặc điểm nhận dạng, hình thái giống với các loài thuộc Danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm