Thị trường

Cá tra 'tiến thoái lưỡng nan'

Từ vị thế “một mình một chợ”, cá tra Việt Nam đang rơi vào thế “vạn người bán... ít người mua” trên thị trường thế giới, trong khi vẫn chưa tìm được chỗ đứng tại thị trường nội địa.

Xuất khẩu cá tra nhiều khả năng chỉ đạt 2,1 tỷ USD trong năm 2019 / Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá tra Việt Nam

Là một trong hai mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam và cũng ghi nhận được khá nhiều thành tựu XK trước đó, nhưng đến nay, cá tra lại đang rơi vào thế khó. Giá cá tra có thời điểm chạm đáy khiến cho người nuôi thua lỗ nặng.

Theo dự báo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kim ngạch XK cá tra năm 2019 đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2018. Tính đến cuối tháng 10/2019, kim ngạch XK cá tra mới đạt trên 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuống vùng đáy

Cùng với sự sụt giảm về kim ngạch XK, diện tích nuôi mới từ đầu năm đến hết tháng 11 cũng giảm 5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 3.448ha. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, diện tích và sản lượng nuôi cá tra giảm chủ yếu do giá cá tra giảm mạnh.

Giá cá tra nguyên liệu trong năm 2018 đạt tới 36.000 đồng/kg nhưng bước sang đầu năm 2019 giảm còn 30.000-31.000 đồng/kg và hiện nay chỉ dao động trên dưới 20.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều người nuôi cá tra bị lỗ vốn 5.000 - 6.000 đồng/kg cá tra thương phẩm, do giá bán dưới giá thành sản xuất.

Theo các chuyên gia, giá cá tra giảm sâu là do diện tích nuôi cá tra “phình to” đẩy nguồn cung tăng mạnh trong khi các thị trường nhập khẩu lại đang siết chặt. Đặc biệt, hai thị trường nhập sản lượng cá tra của Việt Nam lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc thì đang chững lại.

Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, Chính phủ nước này đang có kế hoạch “nội địa hóa” cá tra, bên cạnh đó là yêu cầu XK chính ngạch cùng những tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ khác khiến XK cá tra của Việt Nam gặp khó.

Theo lãnh đạo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ nay đến cuối năm, XK cá tra sang Trung Quốc dù được dự báo vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không đạt được mức kim ngạch như kỳ vọng.

Còn tại thị trường Mỹ, cá tra Việt cũng bị cản trở bởi các biện pháp, công cụ bảo hộ sản xuất trong nước của quốc gia này. Chưa kể, Mỹ cũng đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ các thị trường khác như Canada, Ấn Độ, Indonesia...

Dự báo về tình hình cá tra trong năm tới (2020), các chuyên gia cho rằng XK thường tăng mạnh vào các tháng cuối năm đến tháng 1 của năm sau. Con số 2 tỷ USD của năm 2019 có thể thấp hơn năm 2018 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đó.

Tuy nhiên, giá cả khó có biến động mạnh, ít nhất là đến quý I/2020, sau đó có thể hồi phục nhưng duy trì được bao lâu còn tùy thuộc vào sản lượng cá đã thả nuôi giữa năm 2019 và các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU.

Giá giảm khiến người nuôi cá tra gặp khó khăn

Giá giảm khiến người nuôi cá tra gặp khó khăn

Đường “về nước” cũng chông gai

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) XK cá tra, tình hình dư thừa cá tra trở nên nguy hiểm, cá bán không được, tồn ứ trong ao với sản lượng gần gấp đôi. Toàn chuỗi giá trị cá tra hiện nay gần như nằm ở ao nuôi, áp lực thu hồi vốn là rất lớn.

Thông thường, khi gặp khủng hoảng thừa cung, nhiều sản phẩm sẽ lấy thị trường nội địa làm bệ đỡ để hạn chế rủi ro, nhưng lý thuyết này lại không thể áp dụng với cá tra. Điều đó thể hiện qua việc nhiều DN không thể tìm được kênh phân phối, kể cả hệ thống siêu thị lẫn chợ truyền thống.

Ngay cả “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn với doanh số XK cá tra lớn nhất Việt Nam trong nhiều năm qua cũng đang loay hoay với thị trường trong nước. Thậm chí, khi đưa cá tra vào nhà hàng, khách sạn, mặc dù đã chế biến bằng nhiều phương pháp khác nhau và đa dạng thực đơn, nhưng thực khách vẫn e ngại.

 

Theo một số chuyên gia và chủ DN, nguyên nhân chính của tình trạng cá tra bị người tiêu dùng trong nước quay lưng là định kiến cho rằng cá được nuôi không sạch. Tuy nhiên, vừa qua, Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá da trơn XK của Việt Nam tương đương với Mỹ.

Hiện, thách thức đối với cá tra đến với người tiêu dùng Việt và chinh phục được thị trường nội địa là thói quen tiêu dùng hàng ngày của người dân. Bên cạnh chiến lược XK sang những thị trường trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị, quảng bá cá tra tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, DN cần phát triển theo hướng chế biến sản phẩm sâu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Không chỉ đơn thuần là sản phẩm cá tra phi lê, mà cá tra có thể chế biến thành các sản phẩm ăn liền, tẩm ướp và chế biến gia tăng hương vị.

Nhìn chung, dù là XK hay phân phối trong nội địa, sự tăng giảm giá cả đều có thể xảy ra, nếu các DN không làm chủ được thị trường thì phải kiểm soát chính mình. Hiện, các số liệu về nguồn cung vẫn chỉ là ước tính và chưa có số liệu đáng tin cậy.

Do đó, mỗi DN, mỗi thành viên trong chuỗi phải tự đầu tư cho bộ máy của chính mình để phân tích, dự báo và lập ra những mô hình kinh doanh phù hợp.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm