Các yếu tố chính tác động lên tỷ giá
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm, dịch vụ ra thế giới / Xuất khẩu sang EU phục hồi mạnh nhờ động lực EVFTA
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng hết sức dồi dào, mặt bằng lãi suất các kỳ hạn của VND trên thị trường này thấp kỷ lục. Chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi USD và tiền gửi VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức 3,0 - 3,5% trong một thời gian dài, theo chiều hướng có lợi cho USD. Từ đó, hệ thống ngân hàng có động lực giữ trạng thái mua ròng đối với USD. Điều này góp phần đẩy tỷ giá USD/VND tăng lên.
Cũng theo Công ty Chứng khoán ACB, chỉ số đô la tăng giá mạnh, tăng 6,5% trong 4 tháng (kể từ tháng 7/2023), trước triển vọng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục vững mạnh trong khi các quốc gia khác đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm hoặc thậm chí suy thoái. Từ đó, đã tạo ra làn sóng rút tiền từ các thị trường mới nổi và cận biên cũng như rút tiền khỏi các tài sản tài chính rủi ro, gia tăng tỷ trọng mua USD và tập trung vào các quỹ tiền gửi.
Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng về, nhằm mục đích tăng lãi suất ngắn hạn trên thị trường này. Từ đó, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp lại.
Có thể thấy, sau động thái chủ động hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại hối đã tương đối ổn định trở lại. Tỷ giá USD/VND cho dù vẫn tiếp tục nhích lên nhưng áp lực đối với đồng nội tệ không còn lớn.
Công ty Chứng khoán ACB nhận định, bất kỳ một sự biến động tăng nào của lãi suất hoặc tỷ giá trong những ngày tới, cũng có thể dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng thêm các chính sách mới nhằm đạt được mục tiêu ổn định và cân bằng.
Dù vậy, công ty chứng khoán này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất. Đó là nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào từ các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và kiều hối. Trong khi đó, áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến.
Trong ngắn hạn, Công ty TNHH Chứng khoán ACB nhận định, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ đưa ra 2 giải pháp. Đó là để số dư tín phiếu đáo hạn và dòng tiền quay trở lại thị trường liên ngân hàng. Từ đó, thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Nhưng mục đích cuối cùng là làm sao để lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, gần với mức lãi suất huy động thị trường 1 (các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và dân cư) các kỳ hạn 1 - 3 tháng và không tạo ra cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1.
Trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua tín phiếu không phát huy tác dụng, tỷ giá vẫn tăng nóng và lãi suất vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng phương án bán kỳ hạn USD kỳ hạn 3 - 6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.
Các giải pháp trên có thể linh hoạt phối hợp và sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng như cung cầu USD trong quý IV này. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng có thể bứt phá lên vào quý cuối năm, Công ty TNHH Chứng khoán ACB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước thậm chí có thể xem xét tới việc bổ sung thanh khoản thông qua kênh thị trường mở.
Theo Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, tỷ giá USD/VND duy trì xu hướng tăng.
Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 17 đồng. Trong ngày giao dịch cuối tuần, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.107 VND/USD.
Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.312 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.902 VND/USD. Tại các ngân hàng thương mại, tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 24.420 - 24.720 VND/USD (mua vào - bán ra). Cả tuần, đồng bạc xanh tăng 30 đồng ở chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, giá đồng USD được Vietcombank niêm yết ở mức 24.360 - 24.730 VND/USD (mua vào - bán ra). Tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng giảm 30 đồng ở chiều mua vào và bán ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo