Thị trường

Xuất khẩu sang EU phục hồi mạnh nhờ động lực EVFTA

DNVN - Sau 3 năm thực thi hiệp định EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã phục hồi mạnh, đặc biệt trong hai năm đầu, từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên tăng trưởng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.

Doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống đẩy mạnh chuyển đổi số / Xuất khẩu sang Canada hưởng lợi nhờ "đòn bẩy" CPTPP

Còn nhiều tiềm năng xuất khẩu

Tại hội thảo “Đánh giá kết quả 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA” ngày 27/10 tại Hà Nội, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, được ký kết vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng tạo thêm động lực quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế xã hội.

EVFTA nhận được nhiều kỳ vọng, bởi đây không chỉ là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên của Việt Nam với EU, mà còn là một FTA thế hệ mới.

EU đã là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều thập niên. Song hành với quá trình hợp tác trong nhiều thập niên là những nỗ lực mở rộng hợp tác giữa hai bên cả về thương mại, đầu tư, du lịch, hỗ trợ phát triển chính thức. Đặt trong bối cảnh đó, sự kỳ vọng đối với EVFTA là hoàn toàn dễ hiểu.

Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu. Tốc độ tăng xuất khẩu khá tích cực ở các đối tác như Hà Lan, Đức, Ý, Bỉ, Ba Lan… Hàng hóa xuất khẩu sang EU chủ yếu là máy móc, thiết bị vận tải, sản phẩm điện tử, thực phẩm, nông sản và thủy sản.

Cụ thể, giai đoạn 2020-2022 sau khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu sang thị trường EU đã phục hồi tăng trưởng, từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên tăng trưởng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.

Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, hoạt động xuất khẩu sang thị trường này vẫn thấp hơn kỳ vọng, cho thấy tiềm năng để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU vẫn còn rất lớn.

Cũng theo ông Dương, EVFTA giúp Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại. Từ đó giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu sang EU vẫn thấp hơn kỳ vọng.

Về sử dụng ưu đãi thuế quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU theo mẫu C/O của EVFTA đạt 12,1 tỷ USD năm 2022, chiếm 25,9% tổng xuất khẩu sang EU, tăng 49,4% so với năm 2021.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU có tỷ lệ tận dụng tích cực như thủy sản đạt 82,9%, rau quả đạt 72,6% (tăng 34,2%), giày dép đạt 99,5%…

Đối với đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam.

Tỷ trọng vốn đăng ký từ các nhà đầu tư EU tăng từ khoảng 5% tổng vốn đăng ký bình quân giai đoạn 2016-2020 lên mức 8,9% năm 2022 và 9,2% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Chuyển biến tích cực của dòng vốn đầu tư từ EU có sự đóng góp rất lớn của Đan Mạch, với sự hiện diện của dự án FDI xanh quy mô lớn như dự án nhà máy LEGO đầu tư tại tỉnh Bình Dương. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là 6 nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.

Thúc đẩy cải cách thể chế

Từ góc độ thể chế, ông Dương nhận định, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế.

Kết quả phân tích cho thấy, các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính và mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, và hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.

Tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với CPTPP, có thể do đã rút kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực thi CPTPP.

“Tuy nhiên, Việt Nam cần cân nhắc cách tiếp cận đối với một số cam kết trong một số lĩnh vực, tránh nội luật hóa một cách quá cứng nhắc và ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của thị trường trong nước trước các diễn biến, bối cảnh mới”, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM nhìn nhận.

Cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, CIEM khuyến nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, xây dựng, cơ cấu và tổ chức lại các mô hình kinh doanh sản xuất.

Cùng với đó, rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác. Chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA…

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm