Cần nhiều giải pháp để cà phê Việt 'cất cánh'
Xuất khẩu cà phê: Số lượng lớn, giá trị thấp
Đánh giá về mặt hàng cà phê xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết, trong những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm, xuất khẩu cà phê của nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao với 8,2%/năm, kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm giai đoạn 2011 - 2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.
Theo thống kê, đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn.
Hiện các sản phẩm cà phê của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil. Đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5 sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Cũng theo Bộ Công thương, trong nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu cà phê đều đạt con số 3 tỷ USD. Hiện nay, EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Có thể thấy, các sản phẩm cà phê của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế. Trong đó điển hình như cà phê bột của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe…không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn có thị phần lớn ở thị trường trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù mặt hàng cà phê có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong thời gian qua, song giá trị mang lại chưa cao và chưa có được vị trí tương xứng với tiềm năng trên thị trường thế giới.
Trao đổi với phóng viên TBTCO, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, Việt Nam nhiều năm qua được mệnh danh là cường quốc cà phê với tiềm năng và sản lượng, kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng giá trị kinh tế mặt hàng này đem lại chưa thực sự tương xứng. Tỷ trọng cà phê xuất khẩu dưới dạng thô chiếm tới hơn 90%, chỉ có khoảng hơn 10% sản lượng được chế biến sâu cho thấy năng lực chế biến của các doanh nghiệp ngành cà phê vẫn còn kém và chúng ta đang lãng phí rất lớn đối với tiềm năng của ngành này.
Tăng giá trị xuất khẩu bằng thương hiệu và công nghệ
Bộ Công thương đánh giá, bối cảnh Việt Nam tích cực ký kết thành công và thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ và mở ra thị trường rộng lớn cho ngành cà phê Việt Nam tiếp cận và thâm nhập thị trường thế giới.
"Đối với các FTA đã ký kết, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê nhân của Việt Nam vào các nước nhập khẩu đều bằng 0. Phần lớn mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê đã chế biến bằng 0, trừ một số nước còn duy trì mức thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 5 - 10% đến năm 2020” -Bộ Công thương cho biết.
Bộ Công thương cho hay, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đàm phán mở cửa thị trường cho mặt hàng cà phê thông qua các FTA đang triển khai như Việt Nam - Cuba, Việt Nam - Israel, Việt Nam - EFTA, RCEP, CPTPP… và gắn kết doanh nghiệp Việt kiều tại Thái Lan, Pháp, Đức, Úc… với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp cà phê Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực thực hiện xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, tạo cơ chế để huy động kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại từ các nguồn lực của xã hội; chú trọng một số thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng tăng trưởng như Trung Quốc, Liên bang Nga, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông...
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là nền tảng thuận lợi để các doanh nghiệp ngành cà phê nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có rất nhiều thách thức, khó khăn đòi hỏi phải nhanh chóngđược tháo gỡ để giúp sản phẩm cà phê Việt "cất cánh", đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Bộ Công thương, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả. Trong đó cần xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, nước ta cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích,tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng. Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.
“Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; và cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần thay đổi tư duy. Thay vì xuất khẩu sản phẩm thô, chế biến sơ sài thì cần đầu tư cho hệ thống máy móc chế biến sâu để cho ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao. Chỉ có như vậy, sản phẩm cà phê mới nâng cao được giá trị xuất khẩu và tăng trưởng bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc