Cần Thơ dành 50.000 ha đất chuyên canh lúa chất lượng cao
Nhiều chương trình, dự án được ký kết giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL đến năm 2025 / Phát triển năng lượng bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn
Ngày 21/3, ông Nguyễn Ngọc Hè- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì buổi làm việc với Sở NN-PTNT và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm rà soát diện tích đất tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa CLC gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” do Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng nhằm mục tiêu hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa trên quy mô lớn, tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề manh mún trong sản xuất đang tồn tại trong vùng. Đề án cũng hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị và thu nhập từ cây lúa cho bà con nông dân; góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả.
Mô hình sản xuất lúa tiên tiến, theo hướng hữu cơ ở Cần Thơ.
Các tỉnh, thành muốn tham gia Đề án phải có vùng sản xuất đáp ứng 5 nhiệm vụ chính: Định hướng xác định vùng sản xuất chuyên canh lúa CLC đến năm 2030; định hướng thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị lúa gạo; hiện đại hoá sản xuất lúa gắn với tăng tưởng xanh; chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và xây dựng thương hiệu gạo.
Từ nhiệm vụ trên, theo kế hoạch, đến trước năm 2030 TP Cần Thơ đăng ký phấn đấu đưa 50 nghìn ha sản xuất lúa tham gia Đề án. Để thực hiện mục tiêu này, Sở NN&PTNT thành phố đã rà soát trước mắt là 34 nghìn ha thuộc các khu vực của vùng Dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững) ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai (TP Cần Thơ) để chuẩn bị tham gia Đề án.
Qua 5 năm thực hiện, tại các vùng Dự án này đã có 25 hợp tác xã (HTX), cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ sản xuất ngày càng tăng cường theo hướng hiện đại. Trong đó, chỉ tính thiết bị và trạm bơm của vùng dự án, do VnSAT và nguồn khác đầu tư, đã có 28 máy cuộn rơm; 180 lò sấy lúa; 167 trạm bơm điện; tổng diện tích sản xuất được các doanh nghiệp (DN) thu mua bao tiêu hơn 15 nghìn ha; tỷ lệ thu mua trên diện tích đăng ký ban đầu đạt 94%.
Nhấn mạnh tầm quan trọng và để việc triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tập trung rà soát, kiểm tra và đánh giá lại diện tích đất sản xuất, vùng chuyên canh lúa CLC, tăng cường sự liên kết DN và các HTX sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, nâng chuỗi giá trị hạt gạo; tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia thực hiện đề án; tranh thủ nguồn lực phục vụ sản xuất tăng thu nhập; hoàn thành số liệu và đăng ký với Bộ NN-PTNT trước ngày 28/3/2023 theo quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo