Tin tức - Sự kiện

Nhiều chương trình, dự án được ký kết giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL đến năm 2025

DNVN - Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, tạo kết nối hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ký thỏa thuận thực hiện nhiều nội dung quan trọng từ nay đến năm 2025, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long / Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL

Theo thỏa thuận được ký kết giữa UBND TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025 trên nhiều lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư –thương mại; thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ; chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực…

Nhiều dự án, công trình quan trọng được ký kết từ nay đến năm 2025 giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL

Nhiều dự án, công trình quan trọng được ký kết từ nay đến năm 2025 giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.

Theo đó, hai bên đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mỹ Thuận; nghiên cứu, đề xuất dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ ; dự án đường ven biển TP Hồ Chí Minh – ĐBSCL; đề xuất triển khai dự án giao thông thủy kết nối TP Hồ Chí Minh – ĐBSCL; đề xuất triển khai dự án mở rộng Quốc lộ N1 kết nối TP Hồ Chí Minh – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang và tuyến N2 kết nối TP Hồ Chí Minh – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang và Cà Mau.

Thỏa thuận hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL còn thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức diễn đàn, hội nghị, kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; các hoạt động kết nối doanh nghiệp, các chương trình hàng Việt về ĐBSCL; tổ chức diễn đàn Mekong Connect gắn với hội nghị xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch; nghiên cứu triển khai chương trình hợp tác phát triển chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tổ chức các chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025; tổ chức diễn đàn liên kết phát triển du lịch; hội nghị quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố các trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Trao đổi kinh nghiệm, giải pháp khoa học công nghệ, kỹ thuật trong công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó thiên tai; bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và vùng đất ngập nước, hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau – Thạnh Phú – Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

 

Phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực như môi trường, năng lượng xanh, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

Phát triển hạ tầng số, nhân lực số, cơ sở dữ liệu và chia sẻ các nền tảng dùng chung cho hệ thống hành chính và cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh những nội dung hợp tác chung, theo lợi thế, nhu cầu, điều kiện các bên, TP Hồ Chí Minh còn đẩy mạnh hợp tác song phương, hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện nhiều công trình, dự án quan trọng.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ TP Cần Thơ xây dựng đề án và trình tự thủ tục thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL; hỗ trợ tỉnh An Giang xây dựng Trung tâm đầu mối chế biến nông thủy sản gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo; xây dựng và vận hành khu nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ và vận hành khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh;

 

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng Trường Đại học Tây Nam Bộ tại Bến Tre thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xây dựng các Khu cụm công nghiệp đã được quy hoạch và các dịch vụ logistic của tỉnh này; hỗ trợ Cà Mau xây dựng Trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển, xây dựng Trung tâm năng lượng và dầu khí quốc gia; hỗ trợ Hậu Giang kết nối Khu công nghệ số của tỉnh tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung; đầu tư xây dựng trung tâm thu mua nông sản tại tỉnh Tiền Giang; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm,nông, thủy, hải sản xuất khẩu; đầu tư khu du lịch sinh thái biển Ba Động…

Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng ĐBSCL sẽ được gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hàng năm, các bên tổ chức sơ kết và đề ra nội dung hợp tác, tháo gỡ vướng mắc, bổ xung, điều chỉnh phù hợp và được tổng kết vào tháng 12/2025.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm