Chấn chỉnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Trầy trật mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD / Cuộc đua khốc liệt xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc
Đây là ý kiến đánh giá của ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp trước những yêu cầu đánh giá rủi ro khắt khe của Trung Quốc đối với nông sản Việt Nam tại Tọa đàm Thúc đẩy xuất khẩu (XK) chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc.
Cũng theo ông Thủy, Trung Quốc là thị trường XK chiến lược và đầy tiềm năng của Việt Nam với dân số hơn 1,42 tỷ người. Nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản của nước này khoảng 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi, thủy sản, thịt và sữa…
Chặn đường nhỏ, tắc cửa lớn
Dẫn báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của XK rau quả Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 với 67,7% thị phần. Tuy nhiên, XK rau quả sang thị trường này trong 9 tháng năm 2019 chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm tới 13,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Báo cáo cũng nêu rõ do XK các mặt hàng rau quả chính có sự sụt giảm mạnh đã kéo giá trị kim ngạch XK của ngành hàng này giảm theo.
Cụ thể, trong 9 tháng qua, XK sầu riêng chỉ đạt 215,6 triệu USD, giảm 15,3%; măng cụt đạt 168,1 triệu USD, giảm 0,9%; dừa đạt 109,1 triệu USD, giảm 29,8%, dưa hấu đạt 55,7 triệu USD, giảm 26,2%; ớt đạt 56,1 triệu USD, giảm 44,4%.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng rau quả giảm chỉ còn chưa đầy một nửa so với cùng kỳ năm ngoái như nhãn chỉ đạt 104,4 triệu USD, giảm 50,4%; nấm hương giảm 52,3%; khoai lang giảm 40,5%; mộc nhĩ giảm 50%.
Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguyên nhân của việc sụt giảm XK là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến nông sản của Trung Quốc giảm mạnh XK sang thị trường Mỹ, quay lại tiêu thụ nội địa.
Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, Trung Quốc liên tục tăng các hàng rào kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc giống như các nước phát triển là Mỹ và EU. Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Trung Quốc đều giám sát thông qua các quy định rất chặt chẽ.
Theo lãnh đạo của một doanh nghiệp (DN) thường xuyên XK hàng nông sản, hoa quả tươi sang Trung Quốc, nếu phát hiện thông tin không đúng nguồn gốc, đơn vị sản xuất, tiêu chuẩn..., phía Trung Quốc sẽ trả luôn hàng hóa mà không chờ hàng hóa đi vào khu vực bi kiểm tra phát hiện sai sót mới làm thủ tục quay ra.
Đại diện DN này cho biết ước tính năm 2019, lượng hàng XK sang Trung Quốc sẽ giảm đi khoảng 40% so với khi chưa có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, việc nhập khẩu tiểu ngạch cũng bị siết chặt, trong khi Trung Quốc mới chỉ đồng ý cho 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất chính ngạch vào thị trường này.
Cần hành động quyết liệt
Thực tế, đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên mậu lâu đời với Trung Quốc, nên việc áp dụng các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm tương đối muộn so với các nước ASEAN.
Những quy định mới của Trung Quốc đ được các cơ quan quản lý của Việt Nam phổ biến rất nhiều kể từ cuối năm 2018 nhưng các DN XK, các cơ sở thu mua lẫn nông dân đều không thực sự chú ý quan tâm thực hiện.
Điều này đã dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng XK khó khăn, thời gian thông quan hàng hóa bị chậm lại, lượng hàng hóa XK vào Trung Quốc cũng bị giảm đi.
Theo lãnh đạo của Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam, từ ngày 12/10/2019, Trung Quốc áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu ngay tại cổng kiểm soát số 1, do vậy thời gian kiểm tra hàng hóa đã bị kéo dài 1-2 phút trước đây lên khoảng 7 phút/xe.
Nêu quan điểm cá nhân, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết Trung Quốc ngày càng siết chặt hàng nhập khẩu sẽ có tác động nhiều mặt đến Việt Nam. Có thể kể đến như về mặt tư tưởng nhận thức, các DN, HTX, nông dân, chủ trang trại, người sản xuất, kinh doanh giỏi… xem đây là cơ hội và thách thức.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những trường hợp đối với một số nông sản chủ lực không có cơ hội XK sẽ có tâm lý thờ ơ và chờ đợi, một số bộ phận không nhỏ sẽ đứng ngoài lề sự phát triển của các chuỗi giá trị, có nghĩa là “dễ thì làm khó thì bỏ”.
Những điều này sẽ dẫn đến tổ chức liên kết không thể trọn vẹn. Bên cạnh đó, các DN XK tiểu ngạch lại không vượt qua được khó khăn về nhân lực, cơ chế, trong khi các DN lớn cũng không muốn liên kết với nông dân...
Theo đó, việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tác động đến tư duy nhìn nhận thị trường, kỷ cương lao động, đối tượng tác động chính là nông nghiệp và nông dân. Nếu không hành động và thay đổi quyết liệt thì mật độ “giải cứu” nông sản sẽ nhiều hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với nông sản Việt