Chia lại thị phần công nghiệp điện tử
Lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh xử lý 3 website vi phạm kinh doanh thương mại điện tử / Đẩy nhanh thanh toán điện tử, cần đảm bảo an toàn cho người dùng
Được đánh giá là có tiềm năng phát triển và mức tăng trưởng khá cao so với các ngành công nghiệp khác nhưng thị phần ngành công nghiệp điện tử đang nghiêng về các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, đóng góp của DN Việt Nam phần lớn chỉ dừng lại mức gia công, chiếm khoảng 5-10%.
Khối ngoại giành “miếng bánh ngon”
Theo báo cáo tại một hội thảo về phát triển ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu (XK) điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỷ USD (cuối năm 2017). Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phần lớn giá trị XK (95%) đều nằm trong khu vực FDI, trong khi các DN nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn nhập khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu là phần lớn các DN đang hoạt động trong ngành điện tử Việt Nam là các DN nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số DN. Chỉ có một số ít DN nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN nước ngoài. Năng lực của các DN nội địa còn hạn chế, sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, chưa chuẩn hóa đầy đủ, thiếu nhân viên có tay nghề, trình độ quản lý còn kém, rào cản ngôn ngữ, khả năng tiếp cận tài chính thấp…
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp điện tử. Chẳng hạn, với những sản phẩm chip điện tử sản xuất trên nền công nghệ cơ bản như giấy phép điện tử, chip RFID ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống, SIM card điện thoại di động, chip điện thoại di động thông minh…
Theo nhận định của Bộ Công Thương: “Ngành công nghiệp điện - điện tử Việt Nam là ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng do cơ cấu dân số trẻ quy mô 100 triệu dân tương lai, do đó nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện - điện tử trong nước ngày càng tăng, với thị trường nội địa khoảng 10-12 tỷ USD”.
Đặc biệt, sự xuất hiện của các tập đoàn điện tử viễn thông lớn của thế giới như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel… cho thấy thị trường Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của lĩnh vực công nghiệp điện tử.
Trong đó, DN XK đáng kể nhất hiện nay là công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Đây là một trong những công ty FDI lớn nhất tại Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 20,4% trong cơ cấu XK năm 2018. Năm 2018, doanh thu của Samsung đạt hơn 216 tỷ USD và lợi nhuận đạt hơn 52 tỷ USD. Sản lượng sản xuất của Samsung trung bình khoảng 160 triệu thiết bị/năm.
Chỉ tính riêng mảng điện thoại, hãng này có 2 nhà máy sản xuất ở Việt Nam, cung cấp 50% lượng điện thoại bán ra toàn cầu. Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất mà còn là nơi phát triển các linh kiện và là nơi đặt trung tâm nghiên cứu để phát triển công nghệ cho kỷ nguyên mới. Các trung tâm nghiên cứu cũng không ngừng được mở rộng quy mô.
Ngoài ra, các “ông lớn” như Nokia, Sony, Canon, LG cũng đang đầu tư lớn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, với doanh số khủng như vậy nhưng tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ đạt 5 - 10%, thậm chí một số DN điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu.
Doanh nghiệp nộicần hỗ trợ
Thực tế, DN điện tử Việt gần đây đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, năm 2019 đánh dấu những thay đổi mang tính đột phá cho ngành điện tử Việt Nam khi hàng loạt DN nội địa trở thành DN vệ tinh - mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Điển hình là hiện tượng Vingroup với nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart, cùng với sự “bắt tay” giữa các DN nội và ngoại như công ty Manutronics Việt Nam đã công bố hợp tác chiến lược với 2 “đại gia” là Di-Nikko Engineering và Sojitz Vietnam. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết hứa hẹn mở ra nhiều cánh cửa mới cho ngành điện tử Việt Nam.
Tuy nhiên, sự “lớn lên” của các DN nội cũng khó theo kịp với xu hướng chuyển dịch đầu tư của các DN FDI từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam sẽ tăng nhanh do tác động và ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung.
Để thay đổi “cục diện” này, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng và tăng cường các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng nội địa, như: nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ DN, thúc đẩy liên kết các chuỗi cung ứng giữa DN trong nước và DN FDI, nâng cao thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu….
Chẳng hạn, Samsung hiện là DN đóng góp phần lớn vào kim ngạch XK hàng điện tử của Việt Nam, do đó DN nội có thể phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Hay một số thương hiệu khác như FPT, BPhone, Viettel… đang đẩy mạnh vào hoạt động nghiên cứu và sản xuất nhiều mặt hàng XK ra thị trường thế giới.
Song, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ như vậy là chưa đủ để có thể đưa cả ngành “cất cánh”.
Cần phải đẩy mạnh phát triển theo chuỗi, bởi thành tựu của một số tên tuổi nêu trên phần nhiều là do họ đang hoạt động trên những mảng và phân khúc thị trường vốn có nhu cầu rất lớn, còn lại hầu hết vẫn đang thiếu đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, định hướng chiến lược dài hơi trước áp lực đổi mới không ngừng.
Một nút thắt lớn nữa chính là ở thể chế. Tại các nước có nền kỹ nghệ điện tử phát triển, hầu hết những thương hiệu nổi tiếng đều thuộc tư nhân. Trong khi đó, khu vực này ở Việt Nam nhiều năm qua vẫn chưa thể lớn, một phần cũng bởi sự độc quyền của khối DN, tổng công ty nhà nước và chính sách phân biệt đối xử còn tồn tại nhiều bất cập, khiến rào cản gia nhập những lĩnh vực có tiềm năng sinh lợi lớn như viễn thông, internet là quá lớn.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy -Phó giám đốc Trung tâm IPS - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Khi ngành điện tử Việt Nam xây dựng được mạng lưới các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu thì sẽ giúp giảm rủi ro về chuỗi cung ứng, thời gian giao hàng cũng như chi phí. Đồng thời, nhóm này sẽ hỗ trợ gia tăng tính linh hoạt của ngành điện tử và giúp giữ chân DN FDI hiện có, đồng thời cũng thu hút nguồn FDI mới. Ông Savi Phan Ngân -Giám đốc Dự án, công ty Reed Tradex Việt Nam
Hòa nhịp cùng cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng phát triển kinh tế số và tiềm năng của nền tảng kết nối 5G, Việt Nam đã và đang là một thị trường nhộn nhịp cho ngành công nghiệp và chế tạo linh kiện điện tử với nhiều tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước trên thế giới. Ngoài ra, để có thể đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài tại sân chơi mang tầm khu vực, các DN cũng cần nắm cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp. Bà Đỗ Thúy Hương -Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) Quá trình toàn cầu hóa được đẩy lên nhanh chóng tại khắp các quốc gia đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất ngay tại thị trường nội địa, kể cả Việt Nam khi xuất hiện ngày càng nhiều các nhà cung cấp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chính như: công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, hàng không, kỹ thuật cơ khí… Do đó, Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN trong ngành điện tử - một ngành mũi nhọn của nền kinh tế. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Ngành công nghiệp điện tử hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài