Chiến lược lớn giúp nông nghiệp đô thị Hà Tĩnh “cất cánh”
Khẩu vị của giới đầu tư khi du lịch quốc tế mở cửa / Đề nghị góp ý dự thảo Chương trình xuất khẩu quả tươi sang New Zealand
Tiềm năng chưa được khai phá
Thành phố Hà Tĩnh được bao xung quanh bởi hệ thống sông Phủ và sông Rào Cái, kéo dài từ xã Thạch Bình, phường Đại Nài, đi qua xã Thạch Hưng, xã Đồng Môn, bắt qua xã Thạch Hạ trước khi đổ về Cửa Sót (Thạch Hà). Mạch nguồn các con sông đã hình thành nên những làng ven đô trù phú với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; những làng rau, làng hoa trên dải đất phù sa cổ. Thành phố còn có những cánh rừng ngập mặn với hệ sinh thái động - thực vật đa dạng, trở thành những tiềm năng để phát triển nông nghiệp vừa đặc trưng, vừa lợi thế
Theo thống kê, toàn thành phố có 500 ha đất nuôi trồng thủy sản (mặn, lợ và ngọt) và hệ thống ao hồ phong phú; gần 500 ha đất trồng cây màu và 1.400 ha sản xuất lúa. Hiện tại, thành phố vẫn còn 11/15 xã, phường có diện tích sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù hội điều kiện để phát triển nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, tuy nhiên thực tiễn phát triển sản xuất thời gian qua phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sản xuất nông nghiệp ở thành phốHà Tĩnh dù đã được định hình khá rõ sản phẩm chủ lực, có tiềm năng thị trường nhưng vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của nền sản xuất tiểu nông. Các mô hình được phát triển lên từ tập quán cũ của nông dân truyền thống, sản phẩm truyền thống và thị trường truyền thống.
Theo ông Nguyễn Chính Sỹ - Trưởng thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh), nguyên do chính níu kéo nền sản xuất bấy lâu trên địa bàn vẫn là “đầu ra” cho nông sản. Thị trường khó tiêu thụ nên người dân chủ yếu chỉ sản xuất trong vườn nhà. Dù xây dựng mô hình sản xuất sạch đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận thương hiệu, sản phẩm đành chấp nhận cạnh tranh ở các chợ đầu mối.
Theo lãnh đạo xã Thạch Hưng, dù là địa phương có truyền thống nuôi trồng thủy sản của thành phố, song những năm gần đây, không ít hộ nông dân trên địa bàn không mặn mà với nghề nuôi trồng thủy sản, một phần do rủi ro cao, phần khác nước sông từ nội đô đổ về gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho con nuôi. Riêng về nuôi cá lồng bè, từ năm 2017, địa phương này đã giảm từ 32 hộ nuôi xuống còn 1 hộ.
Câu chuyện thị trường nông sản ở thành phốHà Tĩnh không hề mới. Cách đây ít năm, xã Thạch Bình cũng đã từng ứng dụng thành công mô hình sản xuất đậu cove và nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Giá bán tại ruộng lúc đó thậm chí còn cao hơn giá ở các chợ, người mua tìm đến tận vườn. Tiếc rằng, mô hình khó mở rộng, người nông dân không biết cách xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình nên chỉ “co cụm” ở địa phương.
Tương tự, tại xã Đồng Môn, địa phương vốn có thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ven đô, thế nhưng do thiếu sự kết nối nên người nông dân nơi đây luôn tỏ ra yếu thế trên thị trường bởi sản phẩm làm ra không đủ khả năng cạnh tranh với thị trường. Thành ra, dù đã nỗ lực chuyển đổi hơn 50% diện tích đất nông nghiệp để xây dựng các vùng chuyên canh lúa, rau, hoa, nhà lưới… nhưng cái khó vẫn bám cứ bám riết người nông dân.
Theo chia sẻ của lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh, sự phát triển nông nghiệp đô thị thành phố vẫn còn gặp nhiều lực cản. Trong đó có yếu tố khách quan quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp và chia nhỏ các vùng sản xuất. Cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp dù đã được chính sách “tiếp sức”, song so với yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất chuyên biệt thì còn chưa xứng tầm
Bên cạnh đó, quá trình phát triển, nhiều vùng sản xuất đang nằm trong quy hoạch với những dự án đô thị lớn như: Khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ (xã Thạch Bình); Khu đô thị mới hai bên đường Ngô Quyền (xã Thạch Trung)… Do đó, cả nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất lẫn tâm lý của người dân chuyên tâm vào nông nghiệp cũng còn hạn chế. “Nhiều người chờ đợi dự án đền bù nên làm nông nghiệp… cho có để giữ đất”.
Thay đổi tư duy
Cách đây hơn 2 năm, anh Đặng Đình Thái (thôn Quyết Tiến, xã Đồng Môn) đầu tư xây dựng 400 m2 nhà màng để trồng dưa lưới theo hướng khép kín, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Chỉ sau 2,5 tháng, mô hình cho thu hoạch khoảng 2 tấn dưa (1.300 gốc), thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng/vụ. Nhận định được hướng đi cho mình, anh đã đầu tư thêm nhà màng thứ hai, đưa tổng diện tích sản xuất dưa lưới của gia đình lên đến 800 m2, trồng gối thời vụ.
Thế mạnh nuôi trổng thủy sản gắn với du lịch ẩm thực được người dân thành phố Hà Tĩnh phát huy khá hiệu quả.
Theo tính toán, khoảng 1 tháng nữa anh sẽ tiếp tục thu hoạch lứa dưa mới. “Đây là loại giống dưa khó trồng, đầu tư nhiều và mất công chăm sóc, tuy nhiên, với cách làm bài bản và tuân thủ quy trình kỹ thuật thì mô hình cho năng suất ổn định, đồng nhất cả về chất lượng và hình thức, qua đó sản phẩm có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Tôi đang tiếp tục tìm hiểu các công nghệ chăm sóc mới để nâng cao chất lượng, đảm bảo sự đồng nhất của sản phẩm và có thể tăng 3 vụ/năm”, anh Đặng Đình Thái cho biết.
Trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì mô hình sản xuất trong nhà màng là lựa chọn của nhiều nông dân đô thị. Hiện nay, toàn thành phố đã có hơn 14.000 m2 nhà màng với 37 hộ tham gia, tập trung nhiều nhất ở các xã, phường: Đồng Môn, Thạch Hạ, Thạch Linh, Hà Huy Tập, Văn Yên… Bình quân, bà con có thể sản xuất 3 - 4 vụ/năm, tùy vào đối tượng cây trồng. Quan trọng hơn, quy trình sản xuất khép kín, không bị tác động của thời tiết, môi trường và sâu bệnh giúp người dân ứng dụng tốt các công nghệ phát triển theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ để gia tăng hiệu quả kinh tế và xu thế của thị trường đô thị về sản phẩm sạch, an toàn.
Với cách làm đó, bắt đầu từ năm 2020, thành phố Hà Tĩnh đã thực hiện thí điểm hàng loạt các mô hình sản xuất mới, lần đầu tiên có mặt trên địa bàn như: nuôi hàu sữa Thái Bình Dương thương phẩm trên lồng bè (xã Thạch Hạ); nuôi ong lấy mật ven rừng ngập mặn, nuôi trai lấy ngọc (xã Đồng Môn); sản xuất rau, quả tập trung ở xã Thạch Trung; trồng hoa sen, hoa súng ở các xã Đồng Môn, Thạch Hưng, phường Thạch Linh… Đây được xem là “bước chuyển” của nông nghiệp đô thị TP Hà Tĩnh, không chỉ mở ra hướng sản xuất mới mà còn đưa người dân đến gần hơn với tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Điển hình cho cách làm bài bản này, phải nói đến quá trình xây dựng khu vực nuôi tôm VietGAP tại vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ với hệ thống ao hồ được đầu tư đồng bộ được kết hợp, tạo nét chấm phá bằng chuỗi nhà hàng hải sản, tạo tính kết nối, tập trung và chuyên nghiệp. Hiện nay, nhiều khu vực tiếp tục được trồng mới cây xanh, tạo nên “hình hài” của vùng quy hoạch khu ẩm thực sinh thái 90 ha này.
Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ Nguyễn Sông Hàn, đến thời điểm hiện nay địa phương đã hoàn thành quy hoạch 3 vùng sinh thái, bao gồm: khu ẩm thực sinh thái Đồng Ghè; khu vui chơi giải trí sinh thái với kết cấu đa dạng sinh học và khu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp ở thôn Liên Hà. Sự đầu tư bài bản ngay từ đầu giúp địa phương thu hút được nguồn lực “tại chỗ” dồi dào của hơn 430 hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX nuôi trồng, kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn để hoàn chỉnh hạ tầng nuôi trồng, xây dựng đường giao thông, chuỗi nhà hàng ẩm thực, trồng cây xanh. Đây là cơ sở để địa phương thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái gắn với phát triển thương mại - dịch vụ vùng ven thành phố.Cùng với xã Thạch Hạ, 4 xã trọng điểm nông nghiệp còn lại của TP Hà Tĩnh là Thạch Hưng, Thạch Bình, Thạch Trung và Đồng Môn cũng đã lựa chọn hướng đi phù hợp để “nâng tầm” nông sản.
Tại hội nghị "Nông nghiệp đô thị và giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp bền vững" do UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp với Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại và đầu tư doanh nhân trẻ Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề công nghệ Hà Nội tổ chức ngày 25/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Nguyễn Duy Đức cho biết, để có được những thành công bước đầu đó, theo chia sẻ của những người trong cuộc, động thái ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được xem là nguồn lực quan trọng giúp các địa phương xây dựng nền tảng, “mở đường” mời gọi nhà đầu tư.
Cùng với việc xây dựng nền nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm và liên kết theo chuỗi giá trị. Thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng được chuỗi cửa hàng Thành Sen mart, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP và đặc sản của thành phố và các địa phương trong tỉnh.
Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng. Ảnh: Thái Oanh (báo Hà Tĩnh).
Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng chia sẻ: Xác định phát triển nông nghiệp đô thị theo chuỗi liên kết gắn với khai thác dịch vụ sinh thái ven thành phố là nhiệm vụ trọng tâm. Thành phố coi đây không chỉ là kế hoạch của một năm mà là mở đầu cho cả chiến lược lớn, tạo ra kết nối những trục phát triển đô thị mới, gắn với quy hoạch tổng thể của thành phố Hà Tĩnh về phía Đông và phía Tây, từng bước xây dựng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm của Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong đó, ưu tiên chính là tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp, tích tụ ruộng đất… nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái. Tới đây, Hà Tĩnh sẽ rà soát, bổ sung lại quy hoạch tổng thể KT-XH và xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất, vừa đảm bảo cái riêng và liên kết vùng. Thành phố Hà Tĩnh sẽ có vùng sản xuất hàng hóa (rau, củ, quả), vùng đặc thù (hoa, cây cảnh), các làng nghề… với hạ tầng đồng bộ, hiện đại giúp nông nghiệp đô thị “cất cánh”.
Bí thư thành ủy Hà Tĩnh Dương Tất Thắng:Đầu tư cho nông nghiệp đô thị không phải là câu chuyện đầu tư dàn trải mà phải lựa chọn đúng trọng điểm cho từng giai đoạn để dồn nguồn lực, phát triển một cách quy mô, bền vững. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn phát triển vành đai xanh, tạo thế cân bằng sinh thái cho đô thị. Đối với TP Hà Tĩnh, lợi thế nhất vẫn là nuôi thủy sản nước mặn, lợ và trồng rau, củ, quả công nghệ cao. Bên cạnh đó thì áp dụng phương pháp “len lỏi”, tận dụng hết quỹ đất để xây dựng các mô hình sản xuất nhỏ, phù hợp với thị trường để đáp ứng nguồn thực phẩm tại chỗ và thêm không gian xanh cho thành phố. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt:Bên cạnh việc kết nối được các trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, thành phố Hà Tĩnh mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, xóa bỏ rào cản cố hữu kìm hãm nền sản xuất bấy lâu nay trên địa bàn. Thời gian tới, thành phố cần tiếp tục xây dựng, hình thành chuỗi kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và chuyên gia; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá sản phẩm. Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển thị trường cho tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn trên địa bàn. BàTrương Thị Ny.Ảnh: Thái Oanh (báo Hà Tĩnh).
Chuyên gia Trương Thị Ny, đại diện Hội đồng Phát triển kinh tế Châu Âu (EEDC) tại Việt Nam:Trong xu thế phát triền chung, thành phố Hà Tĩnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn. Thông tin minh bạch, chính xác, kết nối sản xuất, cung - cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường, về tiến bộ khoa học và công nghệ, quản trị sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số là giải pháp tích cực có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh