Chính phủ cam kết trao cơ hội nhiều hơn cho khu vực tư nhân
DNVN - Phát biểu kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” sáng 23/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ cam kết xóa bỏ các rào cản độc quyền Nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân, bao gồm các dịch vụ công cộng.
Sẽ thay đổi cách tính giá xăng dầu / Nhiều mô hình sản xuất của nông dân Sóc Trăng thành công nhờ áp dụng công nghệ 4.0
Sau hơn 5 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến, đề xuất từ các cơ quan quản lý Nhà nước; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và nhiều đại diện doanh nghiệp, trước 3.000 đại biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hội nghị rất sôi nổi, thẳng thắn, đặc biệt nhiều ý kiến trí tuệ, tâm huyết để đóng góp phát triển cho cộng đồng DN và phát triển đất nước ta; tuy nhiên có những ý kiến trái chiều, phản ánh những tồn tại nhưng Chính phủ rất lắng nghe.
"Chính phủ đặc biệt quan tâm liên tục trong nhiều năm, mở nhiều hội nghị lắng nghe DN và đã có nhiều cải cách đổi mới để phát triển DN Việt Nam. Chúng ta đã đạt được thứ hạng đáng kể về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, thay đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta đã có những thứ hạng rất đáng mừng trong khoảng cách rút ngắn phát triển. Tất nhiên, chúng còn tồn tại nhiều bất cập cần cải cách để tăng trưởng tốt hơn, rèn rũ tốt hơn, phục vụ tốt hơn để tạo sự phát triển bình đẳng, công khai, minh bạch", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tại hội nghị này có nhiều ý kiến xây dựng, đặc biệt quan tâm phát triển DN, và đặc biệt là không chỉ DN nói về DN mà cả cơ quan tư pháp, viện, tòa án, cơ quan điều tra thi hành án, cơ quan trình dự án luật đều nêu không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế để tạo điều kiện cho DN phát triển. DN nào vi phạm thì phải xử lý nghiêm để đảm bảo kỷ cương.
"Chúng ta đã nêu mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu có 1 triệu DN, đến nay chúng ta đã có khoảng 800.000 DN. Bình quân trên 17% DN mới thành lập. Quy luật thị trường có sự đào thải nên mới có chuyện giải thể, phá sản. Đây là điều bình thường nhưng cần hạn chế tối đa. Chúng ta không chỉ quan tâm đến số lượng mà còn phải quan tâm đến chất lượng", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Sự lớn mạnh của DN là đáng mừng, nhưng so với nhiều nước phát triển thì số lượng DN trên quy mô dân số vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta cần tạo điều kiện cho DN phát triển nhiều hơn và quy mô lớn hơn. Bên cạnh số lượng, chúng ta cần tăng quy mô và năng lực cạnh tranh của DN. Chúng ta mới có 7 cái tên trong top 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD. Đây là điều đáng mừng. Chúng ta muốn mở rộng số lượng DN lớn này. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta chưa có DN lọt top 500 DN lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng triển lãm trước khi khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 23/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Không chỉ các DN trong nước, chúng ta cũng mong nhiều DN nước ngoài có quy mô, đặc biệt mong muốn nhiều DN Việt Kiều tham gia phát triển kinh tế đất nước.
"Điều mà các vị nói rất nhiều là sự đơn lẻ của từng DN là rất khó. Nếu các DN VN biết hợp lực, đoàn kết lại thì kết quả sẽ khác. Đoàn kết lại sẽ làm lớn hơn DN VN. DN phải có ngân hàng để cùng phát triển. Tôi tin rằng, trong thời gian tới có nhiều DN quy mô lớn ra đời", Thủ tướng bày tỏ.
Tại hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu và giải pháp, các nghị quyết của Đảng về phát triển KTTN để cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài...
"Tôi đề nghị, sau hội nghị này, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng 1 nghị quyết về định hướng phát triển DN trong thời gian tới để tháo gỡ những bất cập, tồn tại và đề ra giải pháp phát triển DN mạnh mẽ hơn cả về số lượng và quy mô", Thủ tướng yêu cầu.
Đối với các địa phương, Thủ tướng nhắc lại thông điệp: "Trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết khó khăn của DN phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. Không được thờ ơ trước những khó khăn của DN".
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng DN trong năm 2020 - tầm nhìn 2025. Bộ KH&ĐT phải là đầu mối đốc thúc, tổng hợp, gửi báo cáo Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh những việc mà Hội nghị đã nêu ra như phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực, cùng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, xây dựng những trung tâm triển lãm sản phẩm ở các thành phố, thị xã lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá, làm được nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước phải tiếp tục nắm.
“Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công, những quan điểm mới này tôi xin đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai. Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tập trung vào những khâu còn yếu mà UNDP, WB và Hội nghị hôm nay đã chỉ ra như xử lý việc mất khả năng thanh toán, độ dễ dàng khi nộp thuế, thủ tục mở doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính thực thi pháp luật, nhất là tiếp cận đất đai.
Tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cải thiện mạnh mẽ, rõ nét chỉ số phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường, những vấn đề này thường làm cho doanh nghiệp chờ đợi, mất nhiều thời gian.
Cần rà soát và thiết lập cơ chế ưu đãi tài chính tốt hơn, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững bao trùm như ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp nội địa liên kết với nhau trong việc hình thành chuỗi giá trị.
Cải cách triệt để thủ tục hành chính, thuế, giấy phép là một yêu cầu đặt ra, trong đó có việc áp dụng công nghệ, quy trình tinh giản thủ tục, xóa bỏ các trở ngại liên quan đến quy hoạch, nhất là tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở địa phương.
Chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải bảo đảm rằng tất cả các ý kiến của doanh nghiệp đều phải được lắng nghe và tôn trọng, còn việc tiếp thu hay không phải thảo luận, phải phân tích, phản biện để đi đến chính sách tốt nhất. “Các cơ quan quản lý Nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương mạnh mẽ đổi mới tư duy và năng lực quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương mình để tương thích với mặt bằng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế Nhà nước với tư nhân, doanh nghiệp với hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ… Tuyệt đối không được có tư duy phân biệt đối xử, “tham lớn bỏ nhỏ”.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản độc quyền Nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân bao gồm các dịch vụ công cộng.
Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.
“Chúng ta cần ý thức rằng để một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta. Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045", Thủ tướng khẳng định.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Cột tin quảng cáo