Chính phủ chỉ đạo phấn đấu giảm ít nhất 1,5-2% lãi suất cho vay
Giá vàng ngày 19/7/2023: Tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt mức 2.000 USD/ounce / Giá heo hơi ngày 19/7/2023: Giao động từ 1.000 - 2.000 đồng/kg
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
Mục tiêu của Nghị quyết là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra.
Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:
1. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
2. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
3. Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.
4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
5. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Mục đích nhằm tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thời điểm cuối năm khi các khoản huy động vốn với lãi suất cao trong các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến thời hạn thanh toán.
Thực hiện các giải pháp điều hành phù hợp và chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Tiếp tục rà soát gói tín dụng 120.000 tỉ đồng vay theo Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn.
Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.
Sẽ giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023
Nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.
Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn cho doanh nghiệp, bảo đảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất cho doanh nghiệp.
Trong tháng 7 năm 2023, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Bộ Công Thương tập trung rà soát, hướng dẫn, sớm cấp phép hoạt động điện lực cho các dự án điện năng lượng tái tạo đủ điều kiện để sớm đưa các dự án này vào vận hành.
Đồng thời rà soát, hoàn thiện các quy định về mua, bán điện, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, thống nhất giá điện tạm thời với các dự án năng lượng tái tạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo