"Băn khoăn" quy định về thông tin trên mạng sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp
Thiếu cơ chế quản lý, thuốc lá điện tử "chợ đen" làm loạn thị trường / Việc di dời nhà máy, trường học khỏi đô thị đang bị "tắc” từ nhiều phía
Những tác động đến hoạt động kinh doanh
Ngày 17/7 vừa qua, Bộ TT&TT đã công bố Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng (Dự thảo).
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” ngày 8/9,ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng Dự thảo đặt ra các nghĩa vụ mới đối với DN viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Cụ thể, các DN có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện vi phạm; thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm quy định pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Sở TT&TT địa phương bằng văn bản, điện thoại, qua phương tiện điện tử.
Ngoài ra, kết nối đến hệ thống giám sát của Bộ TT&TT để phục vụ việc thống kê, theo dõi lượng người dùng, truy cập; cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu cầu của Bộ TT&TT.
Viện trưởng IPS cho rằng, những quy định mới tại Dự thảo có một số tác động đến hoạt động kinh doanh của DN mạng xã hội Việt Nam.
Theo đó, sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ của DN mạng xã hội Việt Nam do DN phải bố trí nhân sự, chịu trách nhiệm giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hậ tầng kỹ thuật của mình. DN phải bố trí nhân sự chịu trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật của mình.
Cùng với việc phải thiết kế hạ tầng kỹ thuật phù hợp để kết nối đến hệ thống giám sát của Bộ TT&TT, DN phải thiết kế công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung để cung cấp cho Bộ TT&TT khi có yêu cầu.
Tác động đến mô hình kinh doanh
Ngoài ra, Viện trưởng IPS dự báo, Dự thảo sẽ tác động đến mô hình kinh doanh của DN mạng xã hội Việt Nam. Trong mô hình kinh doanh này, DN mạng xã hội là chủ thể trung gian chỉ thực hiện cung cấp nền tảng công nghệ theo yêu cầu của người dùng, tạo điều kiện cho người dùng tương tác với nhau trên không gian mạng. DN chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ theo đúng công bố, thoả thuận với người dùng, và không chủ động giám sát người dùng tránh xâm phạm quyền riêng tư.
Người dùng là chủ thể chịu trách nhiệm về nội dung mà mình truyền đưa trên không gian mạng xã hội. Do đó, DN mạng xã hội được miễn trừ trách nhiệm liên quan đến việc người dùng dịch vụ đăng tải thông tin vi phạm pháp luật.
Theo Dự thảo, DN phải giám sát, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật của mình, dẫn đến khả năng DN phải chịu trách nhiệm liên đới với người dùng dịch vụ trong trường hợp người dùng dịch vụ đăng tải thông tin vi phạm pháp luật nhưng DN không phát hiện ra nội dung đó vi phạm pháp luật.
Thêm nữa, việc chủ động phát hiện và xác định nội dung vi phạm pháp luật đòi hỏi DN phải đầu tư thêm nguồn lực để thực thi nghĩa vụ, bởi DN không có nghiệp vụ của cơ quan tư pháp để xác định thông tin nào là loại thông tin vi phạm pháp luật, không có nghiệp vụ của cơ quan điều tra để giám sát, thu thập bằng chứng về thông tin vi phạm pháp luật.
Cũng theo ông Đồng, theo thông lệ quốc tế, nguyên tắc “safe harbor” (bến an toàn - PV) dành cho các DN kinh doanh dịch vụ trung gian như DN mạng xã hội không có trách nhiệm giám sát thông tin của người dùng trên hệ thống của mình. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Đạo luật Viễn thông của Mỹ, Đạo luật Dịch vụ số của Liên Minh Châu Âu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo