Chính sách

'Ngôi nhà chung' của các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics

DNVN - Dự thảo chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương soạn thảo được ví như “ngôi nhà chung” cho các doanh nghiệp trong ngành.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Chậm tiến độ vì áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn / Luật Đất đai 2024: Hạn chế cho thuê đất trả tiền một lần

Mục tiêu phát triển ngành dịch logistics bền vững

Tại hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 24/1 tại Hà Nội, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Thực hiện Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%.

Dự thảo chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ 2 lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.

Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 70-90%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ quý II/2024 tới.

"Ngôi nhà chung" của doanh nghiệp logistics

Đánh giá cao dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, TS Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đây được ví như là “ngôi nhà chung” cho các doanh nghiệp trong ngành.

Theo TS Lê Quang Trung, với khung chiến lược này, cần xây dựng bộ 3 chiến lược gồm: phát triển cảng nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế; chiến lược phát triển khu thương mại tự do của Việt Nam; chiến lược phát triển kết nối hàng hóa quốc tế.

Ông Lê Quang Trung cho rằng, cần phải có một số điểm nhấn mà dự thảo chưa đề cập đến. Chẳng hạn như vấn đề logistics ngược - là vấn đề mới cần được đặt ra và bổ sung. Hay vấn đề Biển Đỏ đang diễn ra khiến tăng thời gian vận chuyển hàng từ 7-10 ngày, thậm chí 14 ngày, cùng với việc thiếu nguồn cung containe.

Góp ý cho dự thảo, ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) - cho rằng, dự thảo cần chỉ rõ phương pháp, cách thức để thúc đẩy việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ số trong logistics, tạo đột phá cho logistics Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hiện chiếm 60 - 70% chi phí và lộ trình thực hiện.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về định hướng phát triển vận tải đa phương thức, xác định cụ thể địa phương nào có đủ lợi thế để phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics của quốc gia.

Theo ông Chung, cần nhấn mạnh vai trò của vận tải đường sắt. Đây là hình thức vận tải cạnh tranh, cần được đưa vào dự thảo để giảm rủi ro trong vận tải biển trong trường hợp hình thức vận tải này gặp vấn đề.

Cảm ơn các đại biểu đã đưa những ý kiến đóng góp cụ thể, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý dưới nhiều hình thức.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm