Chính sách

Bình đẳng giới: Thiếu các đánh giá tác động nhìn từ góc độ ngân sách

DNVN - Thúc đẩy nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới còn gặp khó khăn, xuất phát từ thiếu quy trình kế hoạch và ngân sách; thiếu các công cụ và hướng dẫn cũng như chưa theo dõi được các khoản chi tiêu hướng về bình đẳng giới trong các báo cáo tài chính.

Giải thưởng WEPs: Lan tỏa nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới / Hoàng đế quái đản nhất nhì lịch sử Trung Hoa: Thu nạp cô cô làm phi tử, vì 'bình đẳng giới' mà tìm 30 nam sủng cường tráng cho tỷ tỷ

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) và Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo “Tăng cường nguồn lực tài chính trong thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thu Giang- Phó viện trưởng Viện Light cho biết: Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

Hội thảo “Tăng cường nguồn lực tài chính trong thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”. (Ảnh: Hoài Anh)

Bình đẳng giới là một yếu tố không thể thiếu trong kế hoạch phát triển chung của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về bình đẳng giới, đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới.

Tuy nhiên, Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức để có thể tiến tới bình đẳng giới thực chất, bao gồm những định kiến xã hội đã ăn sâu trong tiềm thức và nhận thức của con người cũng như những hạn chế về nguồn lực.

Tại hội thảo, TS Vũ Phương Ly, chuyên gia chương trình UN Women Việt Nam chỉ rõ những thách thức trong việc thúc đẩy nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới.

Về khung luật pháp, chính sách và bộ máy, khái niệm ngân sách có trách nhiệm giới không được đề cập rõ ràng trong pháp luật, tạo thách thức đối với việc áp dụng và thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới.

Khung chính sách và pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào các hoạt động cụ thể bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ thay vì lồng ghép giới vào các lĩnh vực một cách thực chất.

Cơ chế và bộ máy hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới hiện nay chưa thuận lợi cho việc thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới.

Về quy trình kế hoạch và quy trình ngân sách, theo bà Ly, Việt Nam chưa có quy định về việc thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới trong xây dựngkKế hoạch dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, kế hoạch tài chính 5 năm. Không thu thập hoặc thiếu các số liệu tách biệt theo giới tính, thông tin về các vấn đề giới làm bằng chứng cho quá trình lập kế hoạch.

Bên cạnh đó, việc ưu tiên phân bổ ngân sách cho mục tiêu bình đẳng giới được nêu dưới dạng nguyên tắc, yêu cầu khi lập dự toán ngân sách, song chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa cụ thể hóa thành chỉ tiêu đo lường.

Tại Việt Nam, không đặt ra vấn đề theo dõi chi tiêu đáp ứng giới trong lập kế hoạch, dự toán. Chưa có hướng dẫn lồng ghép giới trong quy trình ngân sách.

Ngoài ra, vẫn tồn tại khoảng trống trong thu thập số liệu có tách biệt về giới và đánh giá tác động về giới. Hệ thống số liệu thống kê chính thức của quốc gia và niên giám thống kê của các địa phương rất ít có số liệu phân tách theo giới.

Còn thiếu các đánh giá tác động giới đối với các chính sách, chương trình, nhất là nhìn từ góc độ ngân sách. Chưa có dữ liệu tài chính hợp nhất sẵn có nào về các nguồn kinh phí do khu vực tư nhân tài trợ/cấp cho các hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

“Thành công trong cung cấp nguồn tài chính cho bình đẳng giới chính là đầu tư tài chính, cam kết chính trị và những thay đổi tiến bộ trong pháp luật, quy tắc chính trị và hành chính. Cùng với đó là thái độ và chuẩn mực xã hội đối với bình đẳng giới”, bà Ly nhấn mạnh.

Bà Elisa Fernandez Saenz- Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Hoài Anh)

Bà Elisa Fernandez Saenz- Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ: Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia thu nhập trung bình, nhiều nhà tài trợ đã giảm các hỗ trợ tài chính cho bình đẳng giới, việc đảm bảo và huy động nguồn tài chính trong nước là vô cùng cấp thiết.

Trong nhiều năm qua, UN Women đã vận động và giới thiệu các công cụ để đưa vấn đề bình đẳng giới vào các chính sách kế hoạch và tài chính của quốc gia trong quá trình thực hiện SDGs để đảm bảo rằng các cam kết bình đẳng giới sẽ được thực hiện.

Trong bối cảnh các nguồn tài trợ đang giảm dần, Phó viện trưởng Viện Light khuyến nghị: Việt Nam cần sử dụng nguồn lực nội tại để thực hiện các mục tiêu quốc gia, các cam kết quốc tế, bao gồm cả các cam kết về bình đẳng giới.

“Để làm được điều đó, chúng ta cần có sự phân định rõ vai trò của từng bên, cần có sự điều phối, hợp tác tốt, phát huy tiềm năng và thế mạnh của tất cả các bên liên quan”, bà Giang nói.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm