Chính sách

Cần bổ sung cơ chế xử lý trách nhiệm người đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá

DNVN - Đóng góp ý kiến tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai”, ông Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp lý Hiệp hội VARSI cho rằng nên bổ sung cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân khi người tham gia đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá theo Luật Doanh nghiệp.

Giám sát chỉ ra nhiều bất cập của Luật Đất đai năm 2013 / Sửa Luật đất đai: Làm rõ vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu

Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 20/4 với mong muốn bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (dự thảo).

Dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở một số trường hợp; định giá đất…và nhiều quy định quan trọng khác.

Hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai”.
(Ảnh: Hà Anh).

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp lý, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho rằng: Dự thảo có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng và liên quan đến nhiều vấn đề của pháp luật về đất đai; Tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Đối với các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng của dự án đầu tư và thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, về cơ bản Khoản 2 Điều 1 của dự thảo đã liệt kê gọi là bất khả kháng. Tuy nhiên, sự liệt kê này chưa xác định rõ các tiêu chí để xác định thế nào là một sự kiện bất khá khảng.

Điều này có thể gây nên tình trạng áp dụng một cách tùy tiện, không thống nhất và qua đó có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước cũng như nhà đầu tư thực hiện dự án.

Một sự kiện được xem là một sự kiện bất khả kháng cần đáp ứng ba điều kiện: Xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được; không thể khắc phục được và đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (theo Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự).

“Vì vậy, tôi cho rằng Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo cần chỉnh sửa lại một cách nghiêm túc, công phu theo hướng bổ sung thêm các tiêu chí theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự, bảo đảm các trường hợp được liệt kê có đầy đủ các tiêu chí để xem là một sự kiện bất khả kháng”, ông Huệ nói.

Bàn về chế tài xử lý khi người tham gia đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá, ông Huệ đồng ý với việc cần có cơ chế/chế tài để xử lý trong trường hợp người tham gia đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá mà theo quy định pháp luật, người tham gia đấu giá phải thực hiện.

Tuy nhiên, ông Huệ cho rằng bản chất của biên bản là việc ghi nhận lại một sự việc thực tế đã xảy ra và trong một số trường hợp mà người có liên quan từ chối ký biên bản thì pháp luật vẫn có hướng để xử lý.

Ví dụ, tại Khoản 3 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã quy định: Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên tham dự và đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này.

Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tinh chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên. Chủ tọa, người ghi biên bản chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty và pháp luật có liên quan.

“Đây cũng có thể là một hướng để ban soạn thảo có thể tham khảo và bổ sung trong dự thảo để có cơ chế xử lý khi người tham gia đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá”, ông Huệ gợi ý.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh- Công ty Cổ phần Vinhomes, Tập đoàn Vingroup chia sẻ tại hội thảo.(Ảnh: Hà Anh).

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đỉnh- Công ty Cổ phần Vinhomes, Tập đoàn Vingroup cho rằng: Nếu dự thảo quy chế cuộc đấu giá quy định tiền đặt trước lớn hơn 20% giá khởi điểm của lô đất sẽ xung đột với Luật Đấu giá tài sản. Do Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực cao hơn Nghị định nên trường hợp “xung đột pháp luật” này sẽ phải áp dụng quy định của luật.

Khoản 3 Điều 17a dự thảo đề xuất: “Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước”.

“Quy định theo hướng này sẽ phải làm rõ thế nào là “tự ý bỏ khoản tiền đặt trước”, thế nào là “từ chối tham gia đấu giá” để thống nhất áp dụng”, ông Đỉnh khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm