Tin tức - Sự kiện

Dự án Luật Đất đai: Sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách

DNVN - Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đã đưa ra 11 nhóm chính sách cần được sửa đổi, bổ sung.

20 đại biểu không tán thành Luật đất đai sửa đổi / Một số điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Luật Đất đai ra đời hơn 30 năm với 5 lần sửa đổi, gần nhất là vào năm 2013. Tuy nhiên, sau gần 8 năm, Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc "mập mờ" trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Tại Tờ trình của Chính phủ Đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã chỉ rõ nhiều quy định của Luật Đất đai còn bất cập, hạn chế.

Đó là tính chưa đồng bộ, thống nhất của Luật Đất đai với một số luật hiện hành như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Xu thế toàn cầu hóa cùng với việc Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư, đặt ra nhiều vấn đề mới, cấp bách nhưng chính sách pháp luật đất đai chưa kịp thể chế hoá; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.


Luật Đất đai 2013 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, việc tổ chức thi hành pháp luật ở nhiều nơi còn chưa nghiêm, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật chưa thực sự có hiệu quả. Ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo cụ thể, sát sao và thường xuyên; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai chưa được thực hiện tốt.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, hệ thống thông tin đất đai chưa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước thống nhất về đất đai, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước; cơ sở vật chất trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu; cơ chế và nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu đề ra.

Các vấn đề chính trị, pháp lý và thực tiễn đặt ra liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai là hết sức quan trọng, đòi hỏi phải được nghiên cứu, xử lý thỏa đáng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Đồng thời, những chính sách lớn, cần phải chờ tổng kết Nghị quyết trung ương và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu. Sau khi có kết quả tổng kết và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất bổ sung trong quá trình soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thực hiện đánh giá tác động bổ sung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước mắt, do tính cấp thiết, trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Chính phủ đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách đã được xác định rõ ràng phương án xử lý, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Luật Đất đai được sửa đổi theo hướng làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.

Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để bảo đảm đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan.

Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai cũng như vấn đề thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; chính sách về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Hoàn thiện chính sách đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Cùng với đó là hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất; quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.

Chính phủ mong muốn 11 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động trong yêu cầu thực tiễn cấp bách sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm