Chính sách

Hỗ trợ chính sách để doanh nghiệp sản xuất điện tử bứt phá

DNVN - Được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, tuy nhiên, thực tế nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử, phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI.

Việc di dời nhà máy, trường học khỏi đô thị đang bị "tắc” từ nhiều phía / Nhiều đối tượng lao động xuất khẩu không tiếp cận được ưu đãi tín dụng

Tín hiệu phục hồi tích cực

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan toả mạnh tới các ngành công nghiệp khác.

Tổng cục Thống kê đánh giá, là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã tăng gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay.

Năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam.


Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ giai đoạn 2011-2022.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2022, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng bình quân cả giai đoạn là 25,6%. Trong đó mức tăng thấp nhất 9,7% ghi nhận năm 2022 và cao nhất năm 2012 ở mức 68,4%.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam.

Và đến tháng 5/2023, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tiếp tục vượt qua điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Cụ thể đạt 20,5 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 20,2 tỷ USD.

Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt trong 8 tháng năm nay, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 36,2tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm thấp nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu.

Gần đây, đặc biệt kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chính thức nổ ra đầu năm 2018, triển vọng phát triển của ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện được nhiều chuyên gia đánh giá là sáng sủa khi Việt Nam có cơ hội đón sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn.

Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Trong 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%, thấp hơn mức giảm 5,1% của 5 tháng, 4,6% của 6 tháng và 4,3% của 7 tháng.

Đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2023, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành này vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.

Cần chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp

Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Tổng cục Thống kê cho rằng, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại.

Cùng với đó là việc rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các DN.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các FTA mới được ký kết.

Hơn nữa, cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới. Tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu.

Cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình chính kinh tế, chính trị trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực. Bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm