Chính sách

Cần định hướng chiến lược mới cho ngành dầu khí

DNVN - Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đề xuất cần rà soát đánh giá toàn diện những khó khăn, thách thức để điều chỉnh chiến lược mới cho ngành dầu khí Việt Nam.

Việt Nam hoan nghênh các tập đoàn của Ấn Độ mở rộng đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí / Thủ tướng: Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành điện, than, dầu, khí

Phát biểu tại buổi làm việc với Petrovietnam chiều ngày 27/2, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành dầu khí.

Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 (Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam). Cho đến nay, Nghị quyết 41-NQ/TW đã được triển khai được gần 8 năm.

Trước bối cảnh và hình hình mới, đồng thời, xuất phát từ yêu cầu cấp bách để tạo điều kiện cho sự phát triển đối với ngành dầu khí Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW để trình Bộ Chính trị trong quý II/2023.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tham dự buổi làm việc báo cáo, trao đổi và thảo luận một số vấn đề liên quan đến kết quả thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là những vướng mắc về chủ trương, cơ chế, chính sách lớn cần Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tháo gỡ...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu làm rõ về định hướng mở rộng các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam gắn với việc tái cơ cấu.

Tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết, Petrovietnam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là “khủng hoảng kép” từ đại dịch COVID-19 và giá dầu suy giảm, diễn biến bất thường.

Vượt qua khó khăn, năm 2019, tập đoàn đã “về đích an toàn” và năm 2020 “ngoạn mục vượt khó”. Năm 2021, tập đoàn không chỉ “phục hồi tăng trưởng” mà còn “tăng tốc phát triển” và năm 2022, tập đoàn đã đạt nhiều kỷ lục.

Xét về tổng thể cả giai đoạn 2016 - 2022, tập đoàn đã gặp nhiều khó khăn nhất trong lịch sử 61 năm hình thành và phát triển, một số chỉ tiêu chiến lược chưa đạt do những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Bởi vậy, cần thiết phải ban hành nghị quyết mới về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2045 thay thế Nghị quyết 41-NQ/TW để tập đoàn tiếp tục phát triển bền vững, trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng trong giai đoạn mới.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam một lần nữa nhấn mạnh về những khó khăn, thách thức lớn tác động tới hoạt động, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững trong dài hạn của tập đoàn.

Đó là những khó khăn, thách thức về phạm vi, địa bàn hoạt động, cơ chế chính sách và các thách thức do tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng và về thị trường.

Những khó khăn, thách thức này cần được rà soát đánh giá toàn diện để trên cơ sở đó đề xuất với Đảng và Nhà nước về các điều chỉnh chiến lược phát triển mới của ngành dầu khí trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Petrovietnam phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Tiếp tục đánh giá toàn diện các vấn đề theo nội dung của Nghị quyết 41-NQ/TW để bổ sung cơ sở đề xuất, kiến nghị cho Đề án “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm