Chính sách

Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

DNVN - Thảo luận tại tổ về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình với sự cần thiết, mục đích sửa đổi luật, tuy nhiên đề nghị cần làm rõ và đánh giá kỹ lưỡng hơn bởi có những sản phẩm vừa đóng góp cho thu ngân sách Nhà nước nhưng cũng phục vụ cho nhu cầu con người.

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn nhiều thách thức / Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá

Cần quy định nước giải khát có đường là đối tượng chịu thuế

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để bảo vệ sức khỏe nhân dân, cũng như theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ IX vào tháng 5/2025.

Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này. Phát biểu tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của nhiều nước trên thế giới đều nhằm vào các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có hại cho sức khoẻ, môi trường, xã hội và các sản phẩm tiêu dùng xa xỉ... để điều tiết hành vi tiêu dùng và đóng góp cho việc thu ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết, mục đích sửa đổi luật, tuy nhiên đề nghị cần làm rõ và đánh giá kỹ lưỡng hơn bởi có những sản phẩm vừa đóng góp cho thu ngân sách Nhà nước nhưng cũng phục vụ cho nhu cầu con người.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Về việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với lý do đây là sản phẩm gây nên bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường... Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì nhưng nếu lạm dụng và quy định là đối tượng chịu thuế thì sẽ tạo ra thói quen, là nguyên nhân không tốt cho sức khoẻ con người.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định nước giải khát có đường là đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, cần có lộ trình cả về thời gian và mức chịu thuế để bảo đảm hài hoà việc sản xuất trong nước và điều chỉnh hành vi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, hiện đã có bằng chứng đối với việc tăng lượng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, tim mạch, loãng xương, béo phì… từ đó làm tăng các nguy cơ các bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.

Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần trong 15 năm vừa qua: từ 18,5 lít/người năm 2009 lên 66 lít/người năm 2023 là yếu tố góp phần tăng tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên từ gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

"Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là phù hợp với xu thế quốc tế và thực tế hiện nay. Ít nhất đã có 104 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia trong ASEAN áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Bộ Y tế nhất trí đối với đề xuất của Chính phủ trong việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát theo TCVN, còn đối với các loại đồ uống khác sẽ có lộ trình về áp thuế sau khi đã thực hiện ổn định đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, về thuế suất, WHO gửi cho Bộ Y tế đề nghị là mức thuế TTĐB cao hơn so với mức đề xuất đề ra là 10% trên giá bán của doanh nghiệp.

Đồng tình đối với chính sách nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml là đối tượng chịu thuế TTĐB, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, mức tiêu thụ đường càng nhiều và lượng đường trong nước giải khát càng cao thì càng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Đại biểu đề nghị tính toán lại mức thuế suất “cứng” là trên 5g/100ml thì áp dụng mức thuế suất 10%. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá tác động để nghiên cứu quy định các ngưỡng cụ thể và tăng dần mức thuế suất (tính tối thiểu là 10%) như mặt hàng rượu, bia.

Cần xem xét toàn diện

Trong khi đó, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, không nên đánh thuế đồ uống có đường, giảm tiêu thụ nước ngọt không đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ béo phì vì người dân vẫn tiêu thụ đường thông qua nhiều loại đồ uống, thực phẩm khác. Bên cạnh đó, ước tính nếu ngành đồ uống giảm sản lượng sẽ tác động đến khoảng 20 ngành liên quan, gây thiệt hại về kinh tế.

.
ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình).

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị cần xem xét một cách toàn diện đề xuất này, vì hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.

Dẫn báo cáo đánh giá tác động kinh tế của thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện và công bố trong tháng 10 vừa qua, đại biểu cho biết, nếu áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát, thu ngân sách từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm sẽ giảm khoảng 4.978 tỷ đồng từ thuế gián thu, chưa kể đến mức giảm tương ứng từ thuế trực thu.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chính sách thuế này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm GDP gần 0,5% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm và chưa đưa vào luật mặt hàng còn nhiều ý kiến khác nhau này. Đồng thời, nghiên cứu triển khai các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác cho phù hợp.

Cũng băn khoăn về việc đưa nước giải khát có đường theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế nhưng với góc nhìn khác, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, đề xuất đánh thuế TTĐB chỉ với nước giải khát chưa bao quát và có thể gây tác dụng ngược.

Thứ nhất, người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ rằng một số đồ uống khác như nước ép hoa quả, sữa hay sản phẩm từ ca cao có hàm lượng đường cao hơn nước giải khát. Thứ hai, việc chỉ áp thuế với nước giải khát tạo sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng, khi các đồ uống có đường khác chưa được đưa vào diện áp thuế.

Bà Yên đề nghị Chính phủ nghiên cứu tổng thể, đánh giá tác động kỹ lưỡng, xác định đầy đủ các sản phẩm cần chịu thuế, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia. Đồng thời, cần lộ trình thực hiện phù hợp để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm