Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Sửa Luật Đầu tư công: Không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế 'xin-cho' / Luật Điện lực sửa đổi: Kỳ vọng "phá băng" các dự án chưa thể vận hành thương mại
Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một trong những công trình giao thông trọng điểm của Việt Nam, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cơ quan quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp.
Ngày 20/11, thảo luận tại nghị trường Quốc hội về chủ trương thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc đặt hàng doanh nghiệp trong nước tham gia.
Trong đó, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đề nghị cần tập trung 3 thành phần kinh tế, trong đó ưu tiên kinh tế tư nhân tham gia xây dựng dự án quan trọng này.
Theo phân tích của ông Thân, để khu vực kinh tế tư nhân tham gia xây dựng dự án có thể giúp tiết kiệm 30% so với thành phần kinh tế nhà nước vì "trình độ của doanh nghiệp lớn và cả doanh nghiệp nhỏ, vừa đã khác trước. Nếu ra đề bài một cách căn cơ nghiêm túc, sòng phẳng thì các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể làm được.
"Chính phủ đặt bài toán với doanh nghiệp tư nhân bằng hợp đồng cụ thể, trả tiền đúng kỳ, hạn, chắc chắn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được. Những gì còn thiếu, doanh nghiệp sẽ chủ động bỏ tiền thuê nước ngoài, còn Chính phủ chỉ kiểm tra giám sát, lo trả tiền", đại biểu đoàn Thái Bình nói.
Cũng theo Chủ tịch VINASME, nếu huy động doanh nghiệp trong nước thì sẽ tạo hiệu quả tích cực. Do đó, ông đề nghị đưa đề xuất đặt hàng doanh nghiệp tư nhân vào nghị quyết và "không chỉ viết là tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài Nhà nước mà là giao phần việc để tránh lợi ích nhóm".
Về vấn đề vốn, đại biểu cho rằng cần cố gắng hạn chế tối đa nguồn vốn nước ngoài, nên sử dụng nguồn vốn trong dân với lãi suất hấp dẫn. Nếu Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì hoàn toàn có thể làm được.
Cùng ngày, tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam”, các doanh nghiệp có chung quan điểm, việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, các nhà thầu Việt nhưng cũng đối diện với nhiều khó khăn, cần được tạo điều kiện để triển khai dự án nhanh và hiệu quả.
Ông Trần Cao Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung chia sẻ, để tham gia vào các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao, doanh nghiệp cần có vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn còn rất khó khăn.
Các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi, từ đó triển khai các dự án một cách hiệu quả. Các cơ chế tài chính phải được điều chỉnh sao cho phù hợp, giúp doanh nghiệp phát huy tối đa khả năng.
Trong khi đó, theo ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC), cần xác định rằng dự án là cuộc chơi bình đẳng và doanh nghiệp cần được coi là đối tác, không phải là người tham gia một cách thụ động. Để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia, cần phải có một sân chơi bình đẳng và thông tin minh bạch.
"Dự án sẽ có những gói thầu rất phức tạp và đòi hỏi những thang điểm đánh giá rõ ràng về năng lực tài chính và các tiêu chí tham gia thi công. Chính phủ cần sớm xác định các vấn đề này để tránh tình trạng doanh nghiệp không thể tham gia vào các gói thầu quan trọng", Chủ tịch HĐQT bày tỏ.
Ngoài ra, theo ông Phương, trong giai đoạn này, việc xây dựng hệ thống chuẩn mực, quy trình thẩm định và phân bổ các gói thầu sẽ quyết định sự thành công của dự án.
Trong khi đó, nhấn mạnh vai trò hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, các nhà thầu cần hợp tác chặt chẽ với nhau và tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế bởi dự án đường sắt tốc độ cao yêu cầu kỹ thuật cao. Doanh nghiệp Việt không thể làm đơn độc, mà cần có sự phối hợp giữa các nhà thầu. Việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh"
"Thời gian qua, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt tại các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam đã đem lại kết quả tích cực. Đây là một ví dụ điển hình về cách các nhà thầu trong nước có thể phối hợp để cùng nhau thực hiện các dự án lớn", Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo