Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
Tích cực quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội / Xóa bỏ rào cản để phát triển kinh tế tuần hoàn
Khai mạc tọa đàm “Trao đổi, thảo luận về dự thảo Báo cáo Kinh tế - Xã hội trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” ngày 14/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các giải pháp, phương hướng, nhiệm vụ đề ra tại Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.
Theo đó, các giải pháp, phương hướng, nhiệm vụ này phải có tư duy đột phá, đổi mới, tinh thần phấn đấu cao. Mục tiêu không chỉ đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao mà còn phải tạo nền tảng quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, một nội dung quan trọng là phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và duy trì trong dài hạn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đột phá về thể chế, coi đây là “đột phá của đột phá”. Phải tạo bước đột phá trong tư duy phát triển, xây dựng thể chế, pháp luật nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Đồng thời, tinh gọn bộ máy, huy động và sử dụng nguồn lực, phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân, mở rộng thị trường…
Các ý kiến tại tọa đàm đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội trong việc tổng hợp, xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng toàn diện, đầy đủ với nhiều điểm mới, nội dung đột phá. Các đại biểu mong muốn trong thời gian tới có những cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng của phát triển đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo