Chính sách

TP Hồ Chí Minh: Luân chuyển cán bộ ở vị trí dễ phát sinh tiêu cực để chống buôn lậu, gian lận thương mại

DNVN - UBND TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tiếp tay cho đối tượng vi phạm; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức trong đơn vị, nhất là tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Cải cách môi trường kinh doanh: Thực hiện gói hỗ trợ cũng cần cải cách / Tiếp tục duy trì hay thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các lực lượng chức năng, sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP; tăng cường kỷ cương, kỷ luật thực thi công vụ trong công tác này, xác định trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tiếp tay cho đối tượng vi phạm; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức trong đơn vị, nhất là tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

CM vừa có kế hoạch công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022.

TP Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022. (Ảnh: minh họa).

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế giá trị gia tăng hoạt động thương mại tại thị trường nội địa, các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại như xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan, bán hàng miễn thuế, sản xuất, xuất khẩu, gia công, vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào nội địa.

Cùng với đó, tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; các thủ đoạn gian lận về giá, đo lường, chất lượng, xuất xứ, hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, cần tập trung vào nhóm các mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại, phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, đường cát, nước ngọt, động vật hoang dã, các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19...

Mặt khác, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; tránh trùng lặp nhưng cũng không bỏ qua kẽ hở; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Đồng thời, thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, sở, ngành, cơ quan, mặt trận, đoàn thể, người dân, các cơ quan thông tin báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Hà My
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm