Chính sách

Cắt giảm hàng nghìn dự án sử dụng ngân sách trung ương để đầu tư trọng tâm, trọng điểm

DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bộ đã cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương (giai đoạn 2016-2020) xuống dưới 5.000 dự án (giai đoạn 2021-2025) để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng.

Chuyên gia cho rằng Tổng ngân sách chi cho hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội còn quá nhỏ / Tìm giải pháp tăng cường công khai minh bạch ngân sách

Tổng kết lại năm 2023 và hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ngành kế hoạch - đầu tư đã cùng với đất nước kế thừa và phát huy thành tựu của 35 năm đổi mới.

Nhìn lại từ năm 2020 đến nay, thế giới đang thay đổi rất nhanh, căn bản, toàn diện và sâu sắc, đồng thời cũng rất phức tạp, khó lường, khó dự báo. Thế giới năm 2023 có thể vẫn ở giai đoạn đầu của quá trình thay đổi này, với hàng loạt biến động làm đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch thương mại, đầu tư toàn cầu; hình thành trật tự, cấu trúc kinh tế mới.

“Chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong năm 2023 và trong hơn nửa nhiệm kỳ qua. Trong đó, có những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam; tạo vận hội, thời cơ, thuận lợi mới để cả nước chuyển mình theo các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra”, ông Dũng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Góp phần không nhỏ vào kết quả đó, năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát triển hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển. Nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ của hoạt động đầu tư công. Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển nhằm tạo đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020. Đến nay chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Bộ đã cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, tạo nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế. Quan tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.

Trong quy hoạch, bộ đã cắt giảm hơn 20 nghìn quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 1 quy hoạch tỉnh duy nhất.

“Qua đó, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, tổ chức lại không gian phát triển của các ngành và địa phương. Vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm để tạo nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, bước vào năm 2024, bộ sẽ tập trung triển khai ngay Nghị quyết 01/NQ-CP (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) và Nghị quyết số 02/NQ-CP(về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hành động quyết liệt, hiệu quả. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030 gắn với các nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương.

“Trong giai đoạn 2026-2030, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam), hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Dũng nhấn mạnh.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm