Chính sách

Chính sách mới đã tạo chuyển biến về thị trường nhập khẩu gỗ

DNVN - Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tác động rõ rệt nhất của Nghị định 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định 102) là tạo là sự chuyển biến về thị trường nhập khẩu gỗ - chuyển từ vùng địa lý không tích cực (rủi ro) sang vùng địa lý tích cực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra việc áp mã HS đối với gỗ cao su xuất khẩu / Tạm thời áp thuế xuất khẩu mức 0% cho gỗ cao su dạng tấm

Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) hướng tới mục tiêu đảm bảo các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU được sản xuất hợp pháp, góp phần cải thiện quản trị rừng, mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ bền vững.

Hiệp định VPA/FLEGT là một trong những nội dung cam kết trong Chương 13: Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Hiện nay, quá trình thực hiện cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT của Việt Nam được thông qua “nội luật hóa’’ bằng Nghị định 102 (Chính phủ ban hành vào ngày 1/9/2020).

Phát biểu tại “Hội thảo tập huấn cho báo chí về Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT” sáng 12/10, ông Lưu tiến Đạt- Tổng Cục Lâm nghiệp đã nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông nhằm đảm bảo việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT nói chung và Nghị định 102 nói riêng được minh bạch, rõ ràng và hiệu quả; góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quan trị rừng của Việt Nam.

Ông Lưu tiến Đạt- Tổng Cục Lâm nghiệp phát biểu tại “Hội thảo tập huấn cho báo chí về Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT”. (Ảnh: Hà Anh).

Tại hội thảo, báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp đã đánh giá sâu tác động của Hiệp định VPA/FLEGT và Nghị định 102 đến chuỗi hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Theo đó, tác động rõ rệt nhất của Nghị định102 về quản lý gỗ nhập khẩu là sự chuyển biến về thị trường nhập khẩu: Từ vùng địa lý không tích cực (rủi ro) sang vùng địa lý tích cực (Mỹ, Bỉ, Úc). Số lượng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực tăng mạnh.

Việt Nam đã tăng nhập khẩu gỗ từ rừng trồng, giảm nhập khẩu gỗ từ rừng tự nhiên ở các vùng địa lý rủi ro. Các doanh nghiệp nhập khẩu đã ý thức được nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc phân loại doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu gỗ theo nhóm được quy định tại Nghị định 102 sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian tới.

Tác động rõ nhất của Nghị định 102 là tạo chuyển biến về thị trường nhập khẩu gỗ.

Tính đến ngày 10/10/2022, có 141 doanh nghiệp vừa chế biến gỗ, vừa xuất khẩu gỗ được xếp loại Nhóm I, chiếm tỷ lệ còn hạn chế trong tổng số các doanh nghiệp phải thực hiện phân loại (1.200 -1.300 doanh nghiệp).

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ lo ngại khi tiến hành đánh giá phân loại sẽ bị loại 2 vì sự tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về một số lĩnh vực liên quan đến môi trường, lao động, thuế, phòng cháy chữa cháy, báo cáo tình hình xuất khẩu, nhập khẩu chưa đầy đủ.

Theo Bộ Lâm nghiệp, để thực hiện tốt Hiệp định VPA/FLEGT, Việt Nam cần thiện hệ thống pháp luật trong một thời gian ngắn về quản trị rừng, gỗ hợp pháp, hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, thương mại gỗ hợp pháp theo quy định quốc tế.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt phải đầu tư nguồn lực (nhân lực và tài chính) vào cải tiến sản xuất, điều kiện lao động, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của Nghị định102 (về lao động, môi trường, bảo hiểm xã hội, quản lý chuỗi cung ứng).

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm