Chủ động thay đổi tư duy mời gọi đầu tư PPP vào kết cấu hạ tầng, giao thông
Dự thảo Luật PPP: Nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về cơ chế chia sẻ rủi ro / Nhật Bản: Luật PPP cần linh hoạt hơn cho đầu tư tư nhân
Mở đầu phiên chất vấn sáng 7/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với nhóm kinh tế ngành, Quốc hội có 70 phút tiến hành chất vấn. Ngày 6/11, đã có 26 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được trả lời chất vấn. Hiện vẫn còn 57 ĐBQH đăng ký chất vấn và 3 ĐBQH đăng ký tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH chọn vấn đề tâm đắc nhất để phát biểu và đăng ký tranh luận khi cần thiết, bảo đảm tối đa số lượng đại biểu tham gia chất vấn.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) tranh luận với Bộ trưởng GTVT về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP. Bà Chinh không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.
Nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là bảo đảm thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP.
“Các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của Nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại luật PPP, khi và chỉ khi Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân”, bà Chinh nói.
Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi ban hành, Luật PPP vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia gồm cả trong nước và nước ngoài. Hiện cả nước có khoảng 5,2 triệu phương tiện ô tô và phân bố không đồng đều. Riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chiếm 51%, còn lại 61 tỉnh hơn 40%. Do yếu tố phân bổ không đồng đều nên khó thu hút dự án PPP.
Cũng theo ông Thắng, còn rất nhiều dự án về PPP có vướng mắc, chưa thể giải quyết dẫn đến ảnh hưởng niềm tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) đến thời điểm phải tăng phí, được phép tăng phí nhưng chưa được tăng do liên quan đến điều hành chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và có những dự án chưa được thu hoàn vốn.
“Đứng sau các doanh nghiệp đều là các ngân hàng, khi thấy rủi ro thì rất khó thu hút ngân hàng tham gia dự án. Nếu ngân hàng không tham gia rất khó để triển khai thực hiện do các dự án PPP đều có vốn rất lớn. Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu để từng bước phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội”, ông Thắng nói.
Ông Thắng đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Thúy Chinh về việc tăng tỷ lệ vốn của Nhà nước tham gia vào nhưng không phải là quyết định. Tại một số quốc gia không khống chế tỷ lệ Nhà nước tham gia, có thể 60 - 70%, với các dự án thu hồi tốt thì Nhà nước có thể chỉ tham gia 20%.
“Phải chủ động thay đổi tư duy mời gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng, giao thông. Bộ đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để phối hợp với địa phương tổ chức hội nghị này. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua hình thức nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí”, ông Thắng nhấn mạnh.
Đề cập đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo, đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) đặt câu hỏi: nhiều vụ việc được người dân phát hiện do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay nhưng không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, đến bao giờ Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.
Doanh thu mỗi năm trên môi trường thương mại điện tử đạt 16-19 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới. Tuy vậy, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.
Ví dụ như vụ việc ở trung tâm mua sắm Sài Gòn khi phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng; vụ kiểm tra 3 tổng kho hàng lậu ở Tuyên Quang; xử lý 4 kho hàng chứa nhiều sản phẩm giả ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Từ đầu năm 2023 đến nay, quản lý thị trường đã kiểm tra 523 vụ, xử lý 497 vụ và phạt tiền lên tới 7,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa gần 3,6 tỷ đồng.
Bộ Công Thương đã bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu. Tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý những vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục.
Cùng với đó, phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh, báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các quy định pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng.
Đồng thời, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật. Tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước trong vấn đề này”, ông Diên nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo