Thị trường

Nhật Bản: Luật PPP cần linh hoạt hơn cho đầu tư tư nhân

DNVN - "Chúng tôi đang tìm kiếm 2 điểm mấu chốt trong luật này, đó là mong muốn được nhìn thấy sự ủng hộ tích cực hơn từ phía Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản hi vọng luật này phải linh hoạt hơn để tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động kinh doanh tư nhân...".

PPP gọi nhà đầu tư bằng ưu đãi thật / Hợp tác nhà nước và tư nhân - PPP (Public - Private Partner) là mô hình hợp tác mà nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng.

Ông Toru Aguin, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) đã chia sẻ như vậy khi góp ý về Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) tại Tọa đàm trực tuyến “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?” diễn ra hôm 13/5.
Thời gian vừa qua, dự án Luật PPP nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài, với những đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung, kể cả về chính sách cũng như vào thuật ngữ, câu chữ trong dự thảo Luật. Và tọa đàm trực tuyến “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?” đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các tổ chức quốc tế và công ty luật nước ngoài, trong đó đáng chú ý là quan điểm của đại diện đến từ JCCI.
Chia sẻ quan điểm về Dự thảo Luật PPP, ông Toru Aguin, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) đặt câu hỏi: "Các bạn muốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư những dạng cơ sở hạ tầng nào? Chất lượng ra sao?".

Ông Toru Aguin, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Tọa đàm trực tuyến “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?”
Theo ông Toru Aguin, các công ty Nhật đã không ngừng mở rộng đầu tư vào Việt Nam từ cuối những năm 1990. Tại thời điểm đó, Nhật Bản là quốc gia đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thế giới nếu tính tổng chỉ số FDI.
Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Nhật Bản đã tích cực tham gia vào PPP ở Việt Nam thông qua hoạt động kinh doanh kiến tạo năng lượng Xây dựng – vận hành – vận chuyển. Và JBIC, với tư cách là cơ quan tài chính của chính phủ Nhật Bản, đã hỗ trợ vài tỷ đô la và là "chất xúc tác" thúc đẩy hợp tác tài chính tư cho các dự án PPP của Việt Nam từ đầu những năm 2000.
Đại diện JCCI khẳng định, tinh thần “đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao” luôn được các công ty Nhật Bản cam kết. Những điểm chính để xét xem chất lượng đầu tư cơ sở hạ tầng có cao hay không bao gồm: hiệu quả kinh tế theo giá trị vòng đời dự án, bảo đảm bền vững về môi trường, có khả năng chống chịu các thảm họa thiên nhiên, thân thiện với cộng đồng bản địa cùng những vấn đề liên quan đến quản trị.
Ông Toru Aguin cho rằng, "sau những khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam muốn khuyến khích đầu tư công. Nhưng dĩ nhiên là khuyến khích song song đầu tư tư nhân cũng vô cùng quan trọng".
Dẫn báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế Trung ương, ông Toru Aguin thông tin, Việt Nam cần khoảng 15 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cho ngành năng lượng, nhưng ngân sách Nhà nước không đủ và cần sự góp sức của đầu tư tư nhân.
"Năng lượng là mảng tôi kỳ vọng nhiều cho PPP. Với ngành vận tải, và một vài ngành khác cũng như vậy. Trong khi đó, các bạn có lẽ sẽ lo lắng về những nhà đầu tư kém chất lượng có thể lạm dụng PPP và lãng phí ngân sách quốc gia. Mong muốn loại bỏ những lạm dụng qua Luật PPP là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nếu luật quá chặt sẽ làm nhụt chí những nhà đầu tư chất lượng cao", ông Toru Aguin nêu ý kiến.
Cũng theo đại diện JCCI, dịch bệnh Covid 19 làm gia tăng bất ổn toàn cầu và những nhà đầu tư nước ngoài cũng ngại đầu tư mạo hiểm. Do vậy, tốc độ đầu tư sẽ chậm xuống. Trong bối cảnh này, để Việt Nam có thể phát triển được hệ thống cơ sở hạ tầng có chất lượng cao thì cần hơn bao giờ hết 1 môi trường pháp lý có thể đáp ứng được những kì vọng và quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Với quan điểm này, ông Toru Aguin đã góp ý 2 nội dung cho Dự thảo Luật PPP. Đầu tiên, sự ủng hộ nhiệt tình của nước sở tại là vô cùng cần thiết để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm tin tưởng vào sự ổn định của hoạt động kinh doanh PPP trong dài hạn. Ví dụ như: Phải bảo đảm sự thi hành dự án đúng như hợp đồng, bảo đảm khả năng chuyển đổi ngoại tệ, và thanh toán chốt hợp đồng; Đồng thời, phải có sự công nhân quyền tham dự như là cổ đông của các nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Thứ 2, cần có sự linh hoạt bởi mỗi một dự án PPP đều khác nhau. Có những vấn đề mà luật quy định quá chặt dẫn đến không phù hợp. Việc chừa ra chỗ trống cho các bên thỏa thuận theo từng dự án là vô cùng cần thiết.
Theo đó, về quản trị, đại diện JCCI gợi ý hãy cho phép ứng dụng của luật nước ngoài khi các nhà đầu tư và cơ quan tài chính nước ngoài tham dự. Về bảo đảm khả năng chuyển đổi ngoại tệ, ông góp ý không nên đặt ra định mức phần tram cố định theo luật. Về khoản thanh toán chốt, ông kiến nghị cho phép các bên thỏa thuận thay vì điều chỉnh bởi luật.
"Tôi muốn nói rằng 1 sản phẩm tốt sẽ có tuổi thọ lâu hơn nếu được dùng với sự quan tâm chăm sóc. Đầu tư có chất lượng cao giúp tiền được sử dụng hữu ích. Nhưng điều ấy chỉ có thể có được qua sự hỗ trợ tích cực của nước sở tại", đại diện JCCI nhấn mạnh.
Ông Toru Aguin bày tỏ mong muốn Luật PPP sẽ trở thành 1 khung pháp lý thân thiện và có khả năng mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời kỳ vọng Chính phủ Việt Nam có cái nhìn dài hạn và lắng nghe đóng góp ý kiến của các nhà đầu tư nhật, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, và các quốc gia khác.
Diễn đàn kinh tế Thế giới công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, trong đó Việt Nam xếp thứ 79 trong số 137 quốc gia trên thế giới về chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung. Chỉ có 20% đường bộ của Việt Nam được trải nhựa, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như Malaysia, Ấn Độ và Indonesia.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030.
Ngân sách Nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng, cao nhất ở Đông Nam Á và cao hơn Ấn Độ. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm