Chính sách

Chú trọng hoàn thiện thể chế đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

DNVN - Để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhận thấy cần thiết triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, cần chú trọng chú trọng xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư; khuyến khích DN, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Hà Nội sẽ đối thoại với tổ chức, cá nhân về lĩnh vực đất đai / Sửa đổi Luật Đất đai: Bổ sung cơ chế gia hạn thời hạn sử dụng đất cho nhà đầu tư mới

Nhận thức về vai trò của DN ngày càng cải thiện
Chiều ngày 15/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 9-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 9) đã có buổi làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN về tình hình thực hiện nghị quyết này.
Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cho biết: Sau 11 năm triển khai Nghị quyết số 9, đến nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn DN đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị DN, sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế.

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ươngphát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, DN của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...
DN, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực DN đóng góp trên 60% GDP , khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc .
"Những kết quả đã đạt được như nêu trên về phát triển DN, xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có được là nhờ những chủ trương, định hướng, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa và hội nhập nói chung và phát triển DN, doanh nhân nói riêng. Cùng với đó là những nỗ lực, cố gắng, tinh thần và ý chí phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của toàn bộ cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Báo cáo tình hình xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh Việt Nam giai đoạn 2011-2021, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI chia sẻ, Nghị quyết số 9 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng DN hoạt động ngày càng thuận lợi hơn. Trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của DN và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng DN như hiện nay.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, Nghị quyết số 9 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng DN hoạt động ngày càng thuận lợi hơn.
Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân với chất lượng ngày càng được nâng cao, năng lực hội nhập quốc tế được cải thiện rõ rệt. Khu vực DN đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước. Các DN cũng bắt đầu chủ động hơn trong việc hội nhập, nhất là việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất hiện nhiều DN đầu ngành có quy mô và nguồn lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất ô tô, may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm, thủy sản, nông sản...
Tại buổi làm việc, các đại biểu, đại diện các DN, hiệp hội DN có mặt trực tiếp tại hội nghị cũng như tham gia trực tuyến tại các đầu cầu đều khẳng định Nghị quyết số 9 đã đi vào cuộc sống, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, kể cả trong các DN nhà nước, DN khu vực tư nhân, DN lớn, DN nhỏ và cả các hợp tác xã.
Các ý kiến phát biểu của đai diện cộng đồng doanh nhân hôm nay đều ghi nhận những kết quả tích cực sau hơn 10 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của nghị quyết.
Các đại biểu cũng đã chỉ ra đâu là những cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Kiến nghị chú trọng hoàn thiện thể chế đầu tư

Phát biểu kết luận, ông Trần Tuấn Anh cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu đã thống nhất nhận định vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân.
Đơn cử như việc cụ thể hóa, thể chế hóa một số đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm.
Hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn chứa đựng nhiều điểm hạn chế, vướng mắc và cản trở phần nào quyền tự do kinh doanh của người dân và DN.
Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều khía cạnh hạn chế, quá trình cải thiện còn kém ổn định và bền vững.
Trong khi đó, theo Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng DN Việt Nam nhận thấy cần thiết triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Trong đó, cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Khuyến khích DN, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những DN, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội.
Bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của mình trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội. Nhận thức đúng, sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nhân, sự gắn bó hữu cơ giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội của DN và doanh nhân.
"Để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh về số lượng và chất lượng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đề nghị Đảng, Nhà nước có chủ trương, định hướng và quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nhân, DN Việt Nam trong thời kỳ mới...", ông Phạm Tấn Công đề xuất.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm