Chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái: Góc nhìn từ doanh nghiệp
Thị trường bất động sản khu công nghiệp hứa hẹn đà phát triển mạnh / Quy hoạch TP Hồ Chí Minh: Lưu ý về không gian phát triển khu công nghiệp
Mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam ra đời từ năm 1991, trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Mô hình này đang được thúc đẩy hoàn thiện để thích ứng với bối cảnh mới. Trong đó, chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái là một xu hướng và yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn hecta, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn hecta. Có 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn. Những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.
Việt Nam đã thí điểm chuyển đổi một số KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Trong giai đoạn 2014 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai hỗ trợ chuyển đổi 4 KCN thí điểm. Bao gồm: KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu (Ninh Bình); KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ).
Giai đoạn 2020 - 2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng quá trình chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và thu được các kết quả rất đáng khích lệ.
Tính đến hết tháng 5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 4 KCN Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai), Đình Vũ (Hải Phòng) và Hoà Khánh (Đà Nẵng). Trong đó, 429 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện cũng đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 3 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ) với 18 trường hợp có tính khả thi cao. Góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ với báo chí trong chuyến đi thực tế dành cho báo chí về chủ đề “Chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái”, ngày 21/8, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings (Chủ đầu tư KCN An Phát Complex và KCN An Phát 1, Hải Dương) cho biết, việc xây dựng các KCN bền vững, thân thiện với môi trường theo chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn.
Đây không chỉ là yếu tố giúp KCN An Phát thu hút vốn đầu tư FDI “xanh” mà còn đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Ngay từ khi bắt đầu triển khai các dự án, Ban lãnh đạo An Phát Holdings đã yêu cầu các nhà xưởng phải được xây dựng theo hướng xanh và sạch.
Đồng thời, yêu cầu các nhà xưởng phải có hệ thống xử lý rác thải, khí thải và nguồn nước đạt chuẩn; không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp. Đặc biệt, An Phát Holdings khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai xây dựng các công trình xanh, sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm điện năng.
Theo ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng - nơi được xem là tiêu biểu trong quá trình chuyển đổi sang mô hình sinh thái ): "Chúng tôi lấy từ đất thứ gì, chúng tôi trả lại đất thứ đó. Không chỉ truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong KCN, chúng tôi muốn mang mô hình này đi đầu tư ở các tỉnh khác".
Công ty cổ phần Shinec đã đầu tư máy tự phân hủy rác thải hữu cơ của Nhật Bản về để xử lý rác thải tại tư KCN Nam Cầu Kiền. Mục tiêu của Shinec là phấn đấu đến hết năm 2024 đạt ‘”zero rác thải” ở khu KCN, rác thải sẽ được xử lý 100%.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc KCN DEEP C (Hải Phòng) nhấn mạnh, hành trình tới KCN sinh thái còn nhiều điều mới mẻ. Quá trình này đòi hỏi sự kiên trì, rất cần vốn cũng như cơ chế chính sách ưu đãi.
“Tại thời điểm này, tôi chưa thấy có một ưu đãi nào cho các KCN sinh thái. Sự khác nhau giữa đầu tư thông thường và đầu tư bền vững là vấn đề thời gian. Để có được cùng một lượng doanh thu thì đầu tư bền vững sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Chính vì thế, cách tốt nhất trong chính sách ưu đãi các nhà đầu tư hạ tầng là Chính phủ xem xét, nếu nhà đầu tư xây dựng thành công KCN sinh thái thì sẽ được gia hạn thời gian dự án là 70 năm (thay vì 50 năm như quy định hiện nay). Điều này sẽ giúp cho các nhà đầu tư có thời gian phân bổ chi phí khấu hao dài hơn”, ông Bruno Jaspaert kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo